Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn với các doanh nghiệp Hoa Kỳ là ông sẽ ra sức cải thiện môi trường đầu tư trong lúc thừa nhận những mối quan tâm về vấn đề hạ tầng cơ sở yếu kém ở Việt Nam.
Theo tin của hãng thông tấn Pháp, ông Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn như thế tại Washington hôm thứ Tư, một ngày sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu của Hoa Kỳ, nhà lãnh đạo chính phủ ở Hà Nội cho biết Việt Nam có quyết tâm đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay trong lúc cố gắng ngăn chận nạn lạm phát.
Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rằng chính phủ Việt Nam hiểu rõ những sự khó khăn trong môi trường đầu tư, đặc biệt là vấn đề cơ sở hạ tầng như đường sá, hải cảng và năng lượng.
Ông cho hay Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều để huấn luyện các nhà quản trị và lực lượng lao động, cũng như ra sức bài trừ nạn hành chánh quan liêu. Ông nói rằng “tôi luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp và gắng sức cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam”.
Hoa Kỳ và Việt Nam đã gia tăng hợp tác kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 2005. Hai nước cựu thù này giờ đây đang thương lượng về một hiệp định đầu tư cùng với một hiệp ước thương mại tự do xuyên Thái bình dương.
Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ diễn ra tại khách sạn Mayflower trong lúc nhiều người Việt Nam mang theo quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa biểu tình phản đối ở bên ngoài.
Cô Angelina Đỗ, thuộc đảng Việt Tân, nói với phái viên AFP rằng “chúng tôi tới đây để đòi Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và tôn trọng nhân quyền.” Cô Đỗ nói thêm rằng Hoa Kỳ không nên dành cho Việt Nam những biện pháp ưu đãi mậu dịch.
Tường thuật của báo Người Việt ở California cho biết cuộc biểu tình phản đối của khoảng 500 người Việt Nam đã khiến cho ông Nguyễn Tấn Dũng vào khách sạn Mayflower bằng cửa sau.
Hồi đầu tuần này, ông Robert Hormats, Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách kinh tế, năng lượng và nông nghiệp, đã cảnh báo trong chuyến viếng thăm Việt Nam rằng những mối quan tâm về nhân quyền có thể gây phương hại cho công cuộc thương mại giữa hai nước.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1