Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông và Macau Hoàng Chí Trung đang vận động chính quyền đặc khu Hồng Kông cấp thị thực cho người Việt sang làm giúp việc nhà.
Ông hy vọng việc này sẽ trở thành hiện thực trong vòng một hoặc hai năm tới.
Ông Trung cho biết, đã nói chuyện với các quan chức từ Bộ Lao động và Sở Di trú Hồng Kông về việc cho phép người Việt làm giúp việc nhà nhiều lần kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ cao nhất hồi năm ngoái.
Ông Trung cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã nói với họ nhiều lần rằng Việt Nam hiện nay đã khác. Chúng tôi có nền kinh tế tốt trong vòng 30 năm qua. Người dân không đến và [trở thành] người tị nạn nữa”.
Hiện nay, chính quyền Hồng Kông không cho phép người dân từ Việt Nam, Trung Quốc đại lục, Macau, Đài Loan, Afghanistan, Campuchia, Cuba, Lào, Bắc Triều Tiên hay Nepal sang làm giúp việc gia đình.
Ông Trung cho biết, ông tin rằng chính quyền Hồng Kông có lệnh cấm bởi vì những vấn đề mà người tị nạn Việt Nam mang đến từ những năm 1970 và 1980.
Trong những năm đó, khoảng 250.000 người đã rời bỏ đất nước đến Hồng Kông sau chiến tranh Việt Nam khiến tình trạng bạo động trở nên phổ biến.
Năm 1995, hàng ngàn người Việt tị nạn đã nổi loạn trong khi được chuyển trại, làm bị thương khoảng 200 cảnh sát và người tị nạn.
"Phải mất nhiều năm để những người tị nạn được chuyển đến Mỹ, Úc, Châu Âu, hoặc hồi hương về Việt Nam", ông Trung nói. "Đó là lý do tại sao [chính quyền Hồng Kông] cẩn thận trong việc cấp visa lao động cho người Việt".
Khi ông Trung đề nghị các quan chức Hồng Kông nên dỡ bỏ lệnh cấm, họ đã không từ chối.
Ông nói thêm: “Họ không nói không, nhưng họ nói họ cần thêm thời gian để phối hợp với nhau. Nhưng tôi biết rằng họ vẫn còn sợ người Việt đến đây và không trở về nữa”.
Một phát ngôn viên của Cục An ninh cho biết, chính phủ hiện chưa có kế hoạch để người Việt Nam làm giúp việc gia đình ở Hồng Kông.
Ông cho biết: “Chính phủ sẽ thường xuyên xem xét các chính sách nhập cư, bao gồm cả người giúp việc nước ngoài, để chắc chắn rằng những chính sách này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại và nhu cầu của Hồng Kông”.
Tuy nhiên, ngay cả khi nền kinh tế của Việt Nam đã ổn định trong vài thập kỷ sau chiến tranh, vẫn có nhiều người nhập cư bất hợp pháp vào Hồng Kông trong vòng hai năm qua.
Ông Trung cho biết số lượng người Việt bị bắt vì cư trú bất hợp pháp tại Hồng Kông đã tăng gấp đôi từ 500 người trong năm 2013 lên khoảng 1.000 người trong năm 2014. Ông cũng cho rằng trường hợp bị bắt trong năm nay sẽ vào khoảng 1.000 người.
Theo các số liệu mới nhất của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam), trong 6 tháng đầu năm 2015 đã có 56.173 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Đài Loan là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất với 7.505 người, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Saudi Arabia, Qatar và các thị trường khác.
Theo SCMP, Vietnam Plus