Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước với một kế hoạch phát triển thương mại điện tử cho giai đoạn 2016-2020 vừa được thông qua.
Theo một đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt gần đây, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020.
Đề án được thông báo trên trang web Chinhphu.vn cho biết, mục tiêu trong 5 năm nữa sẽ có 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối có thiết bị nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng. Kế hoạch này cũng nhắm mục tiêu đến năm 2020, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn không dùng tiền mặt, và 50% cá nhân và các hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng của Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đề án này không khả thi.
"Bởi vì đối tượng thanh toán qua các siêu thị rất là khác mà chủ yếu là người tiêu dùng. Hai nữa là nó tùy thuộc vào sự phân phối sản phẩm ở Việt Nam, ví dụ bao nhiêu phần trăm buôn bán qua siêu thị và bao nhiêu phần trăm là những thị trường bán lẻ - những người bán lẻ và những shop nhỏ. Tôi không nghĩ (đề án) là khả thi lắm."
Theo giải thích của tiến sỹ kinh tế này, thói quen tiêu dùng tiền mặt của người Việt là một “rào cản lớn nhất” cho đề án mới được phê duyệt của chính phủ. Chuyên gia của CIEM nói sự tiện dụng trong sử dụng tiền mặt ở Việt Nam luôn là lý do để người mua không thích dùng thẻ khi thanh toán.
"Thói quen là một cái rất là khó. Trong thời gian tới thì tôi nghĩa là nó dần dần, chứ nếu đặt ngay một mục đích là từ giờ đến 2020 thì nó tương đối là hơi quá tham vọng."
Để thực hiện đề án mới, Việt Nam sẽ lắm đặt hơn 300.000 máy nhận thẻ tại các điểm bán hàng trên toàn quốc cho tới cuối năm 2020 với dự tính thực hiện 200 triệu giao dịch thanh toán một năm.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ từ số liệu của Sở Thanh toán của Ngân hàng Nhà nước, đã có 106 triệu thẻ ngân hàng đang được sử dụng ở Việt Nam tính đến giữa năm 2016, tăng 3,5 lần so với con số này của năm 2010. Cũng theo thống kê này, đã có hơn 17.330 máy rút tiền tự động ATM và hơn 240.660 thiết bị nhận thanh toán bằng thẻ tại các điểm bán hàng.
Để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, chính phủ đã đưa ra các mức phí thấp cho người trả thuế và các dịch vụ hành chính qua mạng và giảm thiểu các mức phí cho các giao dịch liên ngân hàng trong khi mức phí này sẽ bị đánh cao hơn cho người giao dịch bằng tiền mặt.
Tuy nhiên các điều lệ ngân hàng phức tạp và tình trạng gian lận trên mạng tăng cao làm cho nhiều người không mặn mà với phương thức thanh toán bằng thẻ, theo chủ tịch công ty ngân hàng và công nghệ thanh toán Komtek Nguyễn Hoàng Ly được báo Nikkei trích lời.
Tiến sỹ Thắng nói người Việt Nam có “lo ngại về sự an toàn của hệ thống ngân hàng – không biết lúc nào nó đổ chẳng hạn,” nhưng cho rằng “đại thể dân chúng thì tôi nghĩ niềm tin vào ngân hàng vẫn là lớn.”
Cũng theo ghi nhận của Nikkei, ngoài việc hệ thống ngân hàng địa phương còn yếu kém, việc đồng tiền Việt luôn mất giá là một trong những yếu tố khiến người dân không muốn giữ tiền nhiều mà chuyển thành vàng và ngoại tệ cho an toàn.
Một trong những hình ảnh rất phổ biến ở Việt Nam trên truyền thông trong nước là những công nhân ở các khu công nghiệp xếp hàng rút tiền từ máy ATM sau mỗi kỳ trả lương để tiêu và thanh toán.
Theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Ken về các xu thế trong thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam đưa ra vào tháng 9/2016, hơn 90% các giao dịch thanh toán vẫn được thực hiện bằng tiền mặt.
Chuyên gia của CIEM nói để thực hiện việc thanh toán bằng thẻ phải mất thời gian và “phải cải cách từ hệ thống bán lẻ.”
"Kênh phân phối nhỏ lẻ ở Việt Nam hiện nay – cái gọi là facilities (phương tiện) để phục vụ cho việc thanh toán bằng thẻ chưa sẵng sàng. Và cải thiện cái đó cần rất nhiều thời gian."
Một trong những nỗ lực của chính phủ để thực hiện mục tiêu của đề án đến năm 2020 là nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70%.