Năm ngoái, các công ty như Coca Cola và Tetra Pak, một công ty chế biến và đóng gói thực phẩm quốc tế, đã hợp tác với thành phố lớn nhất của Việt Nam trong dự án giảm mức rác thải. Dự án của họ bao gồm việc đặt các thùng rác tái chế quanh Thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư vào hệ thống quản lý chất thải.
Thu dọn rác cho tới nay vẫn là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Dự án hợp tác này cho thấy Việt Nam đang ngày càng hướng tới các công ty tư nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia như thế nào.
Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng từ một nước từng phải dựa vào hỗ trợ của nước ngoài để cải thiện giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đáp ứng những nhu cầu công cộng khác sang thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, các chính phủ nước ngoài đang cắt giảm ngân sách viện trợ trên toàn cầu và Việt Nam không còn hội đủ các tiêu chuẩn nhận nhiều viện trợ nữa, vì vậy nước này đang thử một cách tiếp cận mới để phát triển.
Nó phù hợp với chiến lược tiếp thị thu hút vốn đầu tư.
Điều đó có nghĩa là sẽ có thêm nhiều công ty tư nhân tham gia vào các hoạt động vốn vẫn do chính phủ thực hiện, với mục đích đạt được các mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Ông Nirukt Sapru, giám đốc điều hành đặc trách Việt Nam, Đông Nam Á và Nam Á của Ngân hàng Standard Chartered nhận định: "Một loạt các cải cách thị trường đang diễn ra đã đưa Việt Nam lên vị thế dẫn đầu thị trường ở Đông Nam Á.”
Ông nói thêm rằng tại Việt Nam, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc mang đến "cơ hội cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân muốn đầu tư với những tác động và cải thiện cuộc sống cho hàng triệu người trong thập kỷ tới."
Cấp nước là một ví dụ. Sự thay đổi trong cách tiếp cận có nghĩa là các quan chức đang thảo luận về việc cung cấp nước sạch không chỉ là quyền hay mục tiêu phát triển, mà còn là một khoản đầu tư có khả năng sinh lợi. Cách tiếp cận hỗn hợp này có thể được nhìn thấy trên khắp Việt Nam: Các công ty năng lượng gió đang đóng một phần vai trò trong chương trình nghị sự an ninh năng lượng quốc gia; xây dựng các tuyến đường thu phí mà cả chính phủ và các công ty thu phí; và đặt cáp internet như một phần trong nỗ lực kết nối toàn cầu.
Ngân hàng Standard Chartered ước tính những mục tiêu này và các mục tiêu khác tại Việt Nam cung cấp cho các công ty cơ hội đầu tư 45,8 tỷ đô la.
Việt Nam đang xem xét đến lãnh vực công tư hợp doanh, cho phép các công ty tham gia vào những gì thường là dịch vụ công cộng, có thể là trong một thời gian hạn chế. Ví dụ, chính quyền thành phố có thể cho phép một công ty tư nhân xây dựng cho họ một bệnh viện, điều hành bệnh viện đó cho đến khi thu hồi vốn đầu tư và chuyển giao bệnh viện cho thành phố. Việt Nam phải tạo được sự cân bằng, làm cho mối quan hệ công tư đó sinh lời cho các công ty, mà không có sự dính líu của chính phủ với những khối nợ quá lớn, theo các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Sanjay Grover và Donald Lambert.
Các chuyên gia này viết trong một phân tích của ADB: "Nếu quá hào phóng, chính phủ có thể phải chịu các khoản nợ tiềm tàng hàng triệu đô la. Nếu quá bảo thủ, đầu tư sẽ quay lưng lại."
Tuy nhiên, tư nhân hóa một phần không phải không có nhược điểm của nó. Năm ngoái, những người lái xe ở Việt Nam đã phản đối việc trả phí đường bộ một phần cho các nhà đầu tư tư nhân vì họ cảm thấy mức phí cao một cách bất công.
Ở những nơi khác trong khu vực, Malaysia đã gặp rất nhiều khó khăn khi áp dụng thu phí làm sạch bể phốt trong quá trình tư hữu hóa, do cư dân đã quen với việc đó là một dịch vụ công cộng, đã được chi trả bởi tiền thuế. Công dân trên toàn cầu thường phản đối khi chính phủ bán những tài sản mà họ nghĩ nên được giữ vì lợi ích công cộng, từ việc bán sân bay ở Pháp đến việc bán công ty dầu mỏ ở Mexico.
Tuy nhiên, một nhà tài trợ lớn, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), cho rằng Việt Nam nên hướng tới việc để cho khu vực tư nhân tham gia nhiều hơn. Trong những năm gần đây, USAID đã thúc giục các công ty Hoa Kỳ tham gia các dự án phát triển của Việt Nam, chẳng hạn như các dự án năng lượng và thành phố thông minh.
"USAID cung cấp hỗ trợ phát triển cho cải cách định hướng thị trường và tạo thuận lợi thương mại, bao gồm triển khai chương trình tái tạo mô hình công tư hợp doanh tại Việt Nam," Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết hồi năm ngoái.