Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối báo cáo nhân quyền của HRW


Giám đốc điều hành Human Rights Watch Kenneth Roth cầm bản phúc trình về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới tại cuộc họp báo ở Brussels, ngày 24/1/2011
Giám đốc điều hành Human Rights Watch Kenneth Roth cầm bản phúc trình về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới tại cuộc họp báo ở Brussels, ngày 24/1/2011

Đáp lại câu hỏi của báo giới về nhận xét của tổ chức theo dõi nhân quyền cho rằng ‘Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận trong năm 2010’, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã tuyên bố, nguyên văn như sau:

“Chúng tôi bác bỏ những nhận định sai trái của Human Rights Watch trong báo cáo hàng năm của tổ chức này công bố hôm 24 tháng 1.”

Trong phúc trình về tình hình nhân quyền trên toàn thế giới, Human Rights Watch đã lên tiếng chỉ trích Việt Nam ‘tăng cường kiểm soát tự do ngôn luận trong năm 2010, sách nhiễu, bắt bớ và bỏ tù hàng loạt nhà văn, nhà vận động chính trị và những người phê phán chính phủ một cách ôn hòa’.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng ‘ở Việt Nam các quyền tự do, dân chủ của mọi người dân, trong đó có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo được ghi rõ trong hiến pháp, pháp luật và được đảm bảo thực hiện trên thực tế’.

Báo cáo hàng năm của tổ chức thúc đẩy nhân quyền có trụ sở ở New York còn nhận định rằng ‘trong năm 2010 diễn ra một loạt phiên tòa và các vụ bắt bớ mang tính chính trị, khi chính quyền gia tăng việc đàn áp bất đồng chính kiến trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11 vào tháng Giêng năm 2011’.

Human Rights Watch còn cho rằng tại Việt Nam ‘chính quyền chặn đường liên kết tới các trang mạng nhạy cảm về chính trị, yêu cầu các chủ đại lý internet kiểm soát và lưu trữ thông tin về hoạt động trên mạng của người sử dụng, sách nhiễu và gây áp lực với các blogger độc lập và những người viết bài chỉ trích trên mạng’.

Về các nhận định vừa kể, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói, xin trích: ‘Cũng như ở mọi quốc gia trên thế giới, để đảm bảo kỷ cương pháp luật, nhà nước pháp quyền, mọi vi phạm pháp luật được xử lý theo đúng quy định của pháp luật’.

Ngoài vấn đề nhân quyền, phúc trình của Human Rights Watch cũng lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo (tức CPC), mà Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách này năm 2006.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho VOA Việt Ngữ gần đây Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner nói rằng nhân quyền ‘sẽ luôn là một thành tố chính’ trong mối quan hệ Việt – Mỹ. Ông Posner còn cho hay, Washington sẽ ‘tiếp tục thúc ép Việt Nam’ về vấn đề gây tranh cãi giữa hai quốc gia.

Về vấn đề tự do tôn giáo, ông Posner cho biết rằng Hoa Kỳ ‘đã thảo luận nhiều về một loạt các vấn đề về tự do tôn giáo’ tại cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền ở Hà Nội hồi tháng 12 năm ngoái.

Ông Posner nói thêm rằng Hoa Kỳ ‘đang trong quá trình hoàn tất quyết định về việc nước nào sẽ bị đưa vào danh sách CPC’.

Nguồn: MOFA, Human Rights Watch, A

VOA Express

XS
SM
MD
LG