Trả lời câu hỏi của Reuters, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 12/5 nói Việt Nam hoan nghênh việc Mỹ “đẩy nhanh” quá trình dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, điều này thể hiện lòng tin giữa hai nước cũng như ghi nhận nhu cầu tự vệ của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao cũng nói Việt Nam không có ý định lập các liên minh quân sự chống các nước khác và chính sách của Việt Nam tập trung vào tự vệ.
Việt Nam đưa ra ý kiến kể trên chỉ hơn một tuần trước khi Tổng thống Obama đến thăm, giữa lúc đang có tranh luận ở Washington về việc có nên dỡ bỏ lệnh cấm hay không. Hồi năm 2014, một phần lệnh cấm đã được nới lỏng. Đây là một đề tài lâu nay gây ra sự không nhất trí giữa hai nước và là một trong những tàn dư cuối cùng của thời Chiến tranh Việt Nam.
Mỹ chưa thể hiện công khai rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm và lâu nay vẫn nói việc dỡ bỏ tùy thuộc vào việc Việt Nam thể hiện tiến bộ về nhân quyền.
Can dự của Mỹ với Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng trong năm 2014. Các chuyên gia cho rằng đây là động thái của Mỹ nhằm nắm bắt thực tế là quan hệ giữa Việt Nam và láng giềng Trung Quốc, cũng là một nước cộng sản, đã xấu đi do tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ngoài việc hai nước đều có chung mong muốn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực, Mỹ và Việt Nam còn xích lại gần nhau vì chính sách xoay trục sang châu Á của ông Obama và vì Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển nhanh với dân số hơn 90 triệu người.
Trước thực tế Trung Quốc quân sự hóa nhanh chóng ở Biển Đông và tăng chi tiêu quốc phòng, một số người trong chính quyền của ông Obama lập luận đã đến lúc Mỹ phải giúp tăng cường cho Việt Nam bằng cách bán các thiết bị quân sự tiên tiến.
Ông Christian Lewis thuộc hãng tư vấn Eurasia Group nói: “Những lợi ích của việc làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược với Việt Nam và đồng thời kiềm chế Trung Quốc thì to lớn hơn tác động trái chiều mà người ta cảm nhận về việc cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam”.
Ông Tim Huxley, một chuyên gia an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Singapore, nói mối quan tâm của Việt Nam đối với việc thúc đẩy dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí không chỉ là được tiếp cận với công nghệ Mỹ, mà còn là làm tăng sức mạnh mặc cả của Việt Nam. Ông nói: “Điều này phản ánh mối quan ngại về những diễn biến ở Biển Đông và nhu cầu của Việt Nam về tái cơ cấu và tái vũ trang, với sự chú trọng to lớn hơn dành cho việc nâng cao năng lực hải quân và không quân. Việt Nam muốn mở rộng các sự lựa chọn trên thị trường quốc tế về mặt công nghệ cũng như về vị thế mặc cả của mình”.
Trong tuần này, Việt Nam tổ chức một hội thảo quốc phòng với sự tham dự của các hãng sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin. Sự kiện này được giữ trong vòng bí mật. Đây được xem là một phần trong các nỗ lực của Việt Nam để xây dựng sự răn đe quân sự đối với Trung Quốc vào lúc nước này đang củng cố các cơ sở quân sự ở Biển Đông.
Việt Nam đã thương thảo với các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và phương Tây để tăng cường cho các phi đội phi cơ chiến đấu, trực thăng và phi cơ tuần tiễu biển, mặc dù nhà cung cấp truyền thống là Nga vẫn chiếm vị trí áp đảo.
Nếu lệnh cấm được dỡ bỏ, hầu hết các nhà quan sát cho rằng việc mua bán sẽ khởi đầu với quy mô nhỏ, một phần để làm dịu những quan ngại về nhân quyền và một phần để không làm Trung Quốc quá lo ngại. Về trung hạn, bỏ lệnh cấm sẽ mở đường cho việc bán vũ khí trên mọi phương diện.
Chi tiêu quân sự của Việt Nam đã tăng mạnh trong thập niên vừa qua, tăng 130% kể từ năm 2005, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Riêng trong giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đã tăng gần 700% so với giai đoạn từ 2006-2010.
Theo Reuters, Dailymail.co.uk, Investors.com.