Tại hội nghị nhóm tham vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam diễn ra ở Hà Nội hôm nay, các bên cấp viện cho Việt Nam kêu gọi nước này tăng tốc các nỗ lực nhằm tái cấu trúc nền kinh tế.
Bản tin do AFP loan tải hôm nay tường thuật rằng cùng lúc các nước cấp viện cũng khuyến cáo nhà nước Cộng sản Việt Nam nên cải thiện nhân quyền, nếu không sẽ phương hại đến các thành quả kinh tế.
Từ đầu năm nay, Việt Nam đã quay sang tập trung vào các nỗ lực nhằm ổn định, thay vì đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Hiện Việt Nam vẫn chật vật tìm cách kiềm hãm đà lạm phát cao trên dưới 20%.
Các nước cấp viện hối thúc Việt Nam hãy cấp thiết đẩy nhanh các biện pháp cải cách. Pháp tấn xã dẫn lời bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói rằng “sẽ dễ dàng hơn nếu Việt Nam theo đuổi nghị trình tái cấu trúc kinh tế ngay từ bây giờ, thay vì bị buộc phải làm điều đó sau khi đã xảy ra khủng hoảng.”
Kể từ tháng Hai năm nay, các nhà làm chính sách Việt Nam đã tìm cách ổn định nền kinh tế đang phải đối đầu với nhiều thách thức, kể cả mức dự trữ ngoại hối thấp hơn, mức thâm hụt mậu dịch tăng, gía trị đơn vị tiền tệ sút giảm mạnh và tình trạng lạm phát phi mã.
Tại cuộc họp, các bên tài trợ nhấn mạnh Việt Nam cần tiến hành cải cách lĩnh vực ngân hàng, tư hữu hóa các xí nghiệp quốc doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chánh, và quyết liệt hơn trong các nỗ lực bài trừ nạn tham nhũng.
Mặt khác, các bên cấp viện bày tỏ nỗi bất bình về tình trạng dân chủ dưới chế độ cai trị độc tài ở Việt Nam, họ khuyến cáo rằng một thành tích nhân quyền yếu kém có thể đe dọa tiến bộ kinh tế.
Hãng thông tấn Pháp trích lời đại sứ Na Uy tại Việt Nam Stale Torstein Risa, nói rằng một chiến dịch đàn áp các nhân vật bất đồng chính kiến đã phương hại “cả uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế về vấn đề nhân quyền, lẫn tiến trình phát triển kinh tế xã hội lâu dài của Việt Nam”.
Theo Hội Ân xá Quốc Tế, hàng chục nhân vật chỉ trích chính sách nhà nước đã bị tuyên các bản án tù dài ngày, kể từ khi Hà Nội phát động một chiến dịch đàn áp quyền tự do ngôn luận từ cuối năm 2009.
Các cuộc biểu tình hiếm khi xảy ra ở Việt Nam, nhưng trong năm nay, một số cuộc biểu tình đã được tổ chức liên quan tới các cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, và các cuộc tranh chấp đất đai với chính quyền tại các địa phương.
Một số cuộc biểu tình đã bị cảnh sát dùng vũ lực giải tán.
Đại sứ Risa của Na-Uy nói “không nên trừng phạt những người bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa, mà ngược lại, nên khuyến khích việc đó.” Ông nói thêm rằng đó cũng là quan điểm của các nước cấp viện chủ yếu khác, kể cả Canada, New Zealand và Thụy Điển.
Bản tin trích lời Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nói rằng chính phủ Việt Nam tôn trọng các quyền tự do và dân chủ của người dân, tuy nhiên Thủ Tướng Dũng khuyến cáo rằng các quyền tự do ấy “phải được hành xử trong khuôn khổ luật pháp và hiến pháp.”
Thông tấn xã AFP trích lời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói rằng nhà nước sẵn sàng mở đối thoại về các vấn đề đó với các bên cấp viện, “để hai bên hiểu nhau hơn”.
Nguồn AFP, De
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1