Theo Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được công bố vào đúng ngày Quốc tế về Xóa bỏ Bạo lực Gia đình Đối với Phụ nữ, 25 tháng 11, cứ ba phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga, giới chức của Tổng cục Thống kê, người đã tham gia vào cuộc nghiên cứu này, cho biết từ trước tới nay ở Việt Nam đã có nhiều cuộc nghiên cứu nhỏ lẻ về tình trạng bạo hành gia đình, tuy nhiên đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên trên toàn quốc đã đưa ra được một số liệu phổ biến chính thức nhất về tình trạng này tại Việt Nam.
Cũng theo bà Nga nếu xem xét đến cả ba hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là thể xác, tình dục và tinh thần, thì có hơn một nửa, khoảng 58%, phụ nữ Việt Nam cho biết họ đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo lực gia đình này.
Một công bố đăng trên trang web của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam nhận định rằng các số liệu mới được đưa ra đã nêu bật một thực trạng là đa số phụ nữ Việt Nam đều có nguy cơ tiềm tàng bị bạo lực gia đình ở một hay một vài thời điểm nào đó trong cuộc sống của họ.
Theo kết quả điều tra thì tại một số vùng ở Việt Nam, cứ mười phụ nữ thì có bốn người nhận thấy gia đình không phải là nơi an toàn đối với họ.
Nghiên cứu cũng cho thấy ở Việt Nam, cứ bốn phụ nữ từng bị chồng bạo hành thể chất hoặc tình dục thì có một người cho biết họ phải chịu đựng những vết thương trên cơ thể và hơn một nửa trong số này cho biết họ đã bị thương tích nhiều lần.
Những người đã từng bị chồng bạo hành có nhiều khả năng bị bệnh tật và sức khỏe kém hơn gần hai lần và khả năng nghĩ đến việc tự tử nhiều hơn gấp ba lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo hành.
Công bố trên trang web của Liên Hiệp Quốc trích lời bà Henrica A.F.M. Jansen, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu trong buổi lễ công bố báo cáo rằng mặc dù bạo lực gia đình là một hiện tượng rất phổ biến nhưng vấn đề này vẫn bị giấu diếm nhiều. Bà Jansen cho rằng bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến cho phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng bạo lực trong quan hệ vợ chồng là một điều ‘bình thường’ và người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nga cho đài VOA biết thêm:
“Đến bây giờ số người đi tìm sự hỗ trợ bên ngoài rất là ít, chỉ khoảng 10%, còn lại khoảng 80-90% người ta không đi tìm sự hỗ trợ nào khác mà người ta chỉ chịu đựng âm thầm vậy thôi. Còn số phụ nữ có nói với bên ngoài thì cũng chỉ khoảng hơn 50%, chủ yếu là họ nói với người thân trong gia đình. Thế cho nên việc để người phụ nữ nói ra nhiều hơn và người ta tìm được cái hỗ trợ ngay tại cộng đồng là rất cần thiết để hỗ trợ phụ nữ cũng như giảm tình trạng bạo lực."
Ông Jean Marc Olive, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng cho hay kết quả của nghiên cứu này nêu bật tính cấp thiết của việc phá bỏ sự im lặng. Ông Olive nói rằng: “Tất cả chúng ta đều mong đợi những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình và những phụ nữ đã tham gia cuộc điều tra này sẽ đứng dậy nói lên tiếng nói của mình và chấm dứt bạo lực gia đình”.
Một thực trạng đáng buồn khác mà nghiên cứu chỉ ra là phụ nữ có thai cũng là đối tượng có nguy cơ bị bạo hành. Số liệu điều tra cho thấy khoảng 5 phần trăm phụ nữ từng có thai cho biết họ đã bị đánh đập trong thời gian mang thai. Trong hầu hết các trường hợp này, họ đã bị chính người cha của đứa trẻ mình đang mang trong bụng lạm dụng.
Ngoài ra, trẻ em cũng cũng là nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Cứ bốn phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác.
Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em. Hơn nữa, trẻ em sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em khác.
Theo bà Jansen những người chồng bạo hành có nhiều khả năng đã từng chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập, hoặc chính họ đã từng bị đánh đập khi còn nhỏ. Những điều đã trải qua thời thơ ấu chính là một yếu tố nguy cơ quan trọng liên quan đến việc bản thân họ sau này trở thành người gây ra bạo lực gia đình. Điều này củng cố cho quan điểm rằng bạo lực là một hành vi do con người học từ người khác.
Trong khi đó, cũng nhân ngày quốc tế về bạo hành gia đình, Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, có một bài viết về vấn đề bạo lực gia đình ở Việt Nam, được đăng tải trên trang vietbao.com nói rằng bạo lực giới trong gia đình nói riêng phần lớn là do nam giới gây ra với phụ nữ. Nhưng cần nhận thấy rằng cũng còn có bạo lực của phụ nữ đối với nam giới. Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh nhận định rằng dường như có sự thiên vị giới trong nghiên cứu bạo lực gia đình. Mà sự thiên vị giới ở đây là chỉ thấy bạo lực giới một chiều và cần lưu ý rằng phụ nữ không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là thủ phạm của bạo lực gia đình.
Trả lời về nhận định này của Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, bà Nga nói:
“Cũng theo những kết quả điều tra từ trước thì có thể thấy bạo lực do phụ nữ gây nên chỉ bằng 1/10 so với người chồng gây ra. Trong kết quả điều tra lần này cũng chỉ ra rõ là số tỷ lệ phụ nữ gây ra trước rất là nhỏ so với con số hơn 30% mà do các ông chồng gây ra. Cái số liệu này đã trả lời cho nhận định của Tiến sĩ Thịnh rồi.”
Nghiên cứu quốc gia về Bạo lực Gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam được thực hiện trong khuôn khổ Chương trình Phối hợp chung giữa Liên Hợp Quốc và Chính phủ Việt Nam. Nghiên cứu này do Tổng Cục Thống kê tiến hành với trợ giúp kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).