Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Việt Nam trong tháng hai đã gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng hai năm.
Bản tin của Bloomberg hôm thứ Tư trích dẫn các số liệu của chính phủ Việt Nam nói rằng CPI trong tháng hai tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những số liệu này được công bố hai ngày sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết trong tuần này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ loan báo một loạt các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát.
Vấn đề lạm phát đang gây ra những mối quan tâm trong các nền kinh tế mới nổi, và Việt Nam là một trong những nước gặp nhiều khó khăn nhất về vấn đề này. Những chính sách lãi suất lỏng lẻo và những khoản cho vay với sự trợ giá của nhà nước được áp dụng trong nhiều năm qua đã giúp cho kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao, nhưng các nhà phân tích cho rằng Việt Nam thiếu khả năng để xử lý vấn đề này.
Theo một thông cáo của Tổng cục Thống kê, sự gia tăng của CPI trong 23 ngày đầu của tháng này chủ yếu là phát sinh từ sự tăng giá của các dịch vụ giáo dục, lương thực và thực phẩm, nhà ở và vật liệu xây dựng.
Trong tháng 1 năm nay CPI tăng 12,17% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 1,74% so với tháng trước đó; trong lúc chỉ tiêu lạm phát mà quốc hội đề ra cho năm nay là 7%.
Hãng tin Bloomberg trích lời một nhà mua bán chứng khoán ở Hà Nội nói rằng chỉ tiêu vừa kể giờ đây dường như rất khó đạt được vì giá điện sẽ bắt đầu tăng hơn 15% kể từ tháng 3.
Truyền thông Việt Nam cũng trích lời Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý giảm thiểu tỉ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm nay từ mức 23% xuống thấp hơn 20%, hạn chế thâm hụt ngân sách ở mức 5% của GDP và cắt giảm 10% chi tiêu chính phủ trong năm nay.
Ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của công ty tư vấn Mekong Economics ở Việt Nam, nói rằng kinh tế Việt Nam không gặp khủng hoảng, nhưng vấn đề lạm phát đang gây ra nhiều nỗi khó khăn cho người dân bình thường.
Ông cho biết thêm như sau trong cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA.
Ông McCarty nói rằng thông thường, những người làm công hay lãnh tiền hưu trí với thu nhập dưới mức trung bình chính là những người bị thua thiệt khi tỉ lệ lạm phát cao. Thêm vào đó, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì tốc độ của việc tạo ra công ăn việc làm mới cũng bị chậm lại.
Nguồn: Bloomberg, Reuters,
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1