Ổn định chính trị và kinh tế giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp muốn dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tường thuật hôm thứ tư của hãng tin tài chánh Bloomberg trích dẫn các số liệu của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, tức Asean, cho biết trong năm 2008 lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam chiếm đến 13,5% tổng số FDI của Asean, tăng mạnh so với tỉ lệ 4,4% của hai năm trước đó.
Theo phái viên Daniel Ten Kate của Bloomberg, sự hấp dẫn này có thể đang trên đà gia tăng, dựa theo cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải hồi tháng 12 vừa qua.
Kết quả thăm dò cho thấy Việt Nam là điểm đến được ưa chuộng của những công ty muốn dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, là nước nhận được đầu tư nước ngoài nhiều nhất ở Á châu.
Cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ với 202 công ty ngoại quốc ở Trung Quốc cho thấy số công ty nước ngoài có kế hoạch dời công xưởng vào sâu trong nội địa hoặc dời sang nước khác đã tăng gấp đôi trong năm vừa qua vì vấn đề giá thành sản xuất.
Bài tường thuật trích lời ông James Lockett, một luật sư của hãng Baker & McKenzie làm việc tại Hà Nội, nói rằng hiện nay đang có nhiều công ty xem xét tới việc thiết lập cơ sở sản xuất ở các nước trong khối Asean; và trong nhiều loại sản phẩm, Việt Nam có những yếu tố rất hấp dẫn đối với những công ty đó.
Tuy Việt Nam là một nước độc đảng và việc nhà chức trách bỏ tù nhiều nhân vật tranh đấu cho dân chủ hồi gần đây đã gặp phải sự chỉ trích của những tổ chức như Human Rights Watch, một số người cho rằng Việt Nam là một kiểu mẫu của ổn định.
Họ so sánh Việt Nam với Thái Lan, nơi mà những người biểu tình đã đóng cửa các phi trường và ngăn chận đường xá trong trong những vụ phản kháng đôi khi có bạo động.
Ông Rodolfo Severino, cựu Tổng thư ký Asean cho hãng tin Bloomberg biết rằng Việt Nam có ổn định chính trị và nếu là một nhà đầu tư ông sẽ chọn Việt Nam.