Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một nhân vật chính trong ban tổ chức cho biết là tính tới đêm hôm qua, chiến dịch thỉnh nguyện thư vận động cho nhân quyền Việt Nam và đòi thả nhạc sĩ Việt Khang cùng các tù nhân lương tâm khác, đã có 125,000 chữ ký, và ban tổ chức hy vọng là từ nay tới ngày 8 tháng Ba khi chiến dịch thu thập chữ ký chính thức kết thúc, số người ký vào thỉnh nguyện thư lịch sử này sẽ vượt quá con số 150, 000 người.
Được hỏi những người đại diện cho họ, khoảng 165 người sẽ được vào Tòa Bạch Ốc ngày hôm nay để gặp các đại diện hoặc cố vấn của Tổng Thống Obama mang theo họ những thông điệp gì, Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng nói:
Chiến dịch thỉnh nguyện thư của cộng đồng Mỹ gốc Việt còn đạt một kỷ lục khác ngoài con số 125,000 chữ ký đã có, là con số những người trẻ tuổi tích cực tham gia và đóng vai trò chủ động, thể hiện rõ bằng sự hiện diện đông đảo của các thanh niên nam nữ có mặt tại khách sạn Marriot Courtyard ở Washington vào đêm hôm qua.
Anh Long Nguyễn, một thanh niên cư ngụ tại bang Virginia, cho biết điểm đặc biệt trong chiến dịch này là sự đoàn kết giữa nhiều thế hệ khác nhau trong cộng đồng trong một cuộc đấu tranh chung:
“Tôi nghĩ yếu tố chính đã thu hút chúng tôi là sự đoàn kết liên thế hệ, thế hệ lớn tuổi hơn và thế hệ sinh viên, có thể đoàn kết và đồng ý với nhau. Điều gây ấn tượng là sự kiện hàng trăm ngàn người Mỹ gốc Việt đều một lòng đoàn kết để góp mặt trong một cuộc đấu tranh chung.”
Một thiếu nữ gốc Việt từ bang Texas, cô Cindy Đinh, cho biết lý do em đã chung sức tham gia chiến dịch thỉnh nguyện thư này:
“Dạ em tới đây cùng với khoảng 700 người Mỹ gốc Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền cho Việt Nam, nhất là tới White House (Tòa Bạch Ốc) ngày mai và Capitol Hil (điện Capitol) gặp các thành viên Quốc hội hôm thứ Ba để nói cho cả nước biết những vấn đề về nhân quyền, tự do và dân chủ cho Việt Nam. Trong quá khứ, em đã cùng một phái đoàn tới gặp một Thượng nghị sĩ, John Cornyn của bang Texas, để nói chuyện về Đạo luật Nhân quyền Việt Nam. Sau buổi đó thì ông Thượng nghị sĩ đứng ra bảo trợ cho Đạo luật Trừng phạt Việt Nam về Nhân quyền. Em thấy qua sự thành công đó, mình có thể có quyền để nói chuyện với Tổng Thống Mỹ và những dân biểu và Thượng nghị sĩ để nói lên cái sức mạnh của cộng đồng Việt Nam mình.”
Về những yếu tố đã thu hút giới trẻ hăng hái góp mặt trong chiến dịch này, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhận định:
“Yếu tố thứ nhất là nhạc sĩ Việt Khang là một người rất trẻ đã viết một bài được dịch ra nhiều thứ tiếng , thành ra các em trẻ khác nghe là hiểu ngay và cảm thấy gần gũi với mình. Thứ hai là cuộc vận động lần này dùng những phương tiện tin học mà các em rất rành rẽ, dễ dàng lắm. Nếu phải bỏ việc đi biểu tình, đọc không hiểu các biểu ngữ vì ngôn ngữ không rành thì rất khó cho mấy em, nhưng làm về tin học, lên trang mạng của Tòa Bạch Ốc thì các em rất nhanh. Điểm thứ Ba là trong thời gian 2 năm qua, chúng tôi đã đi rất nhiều nơi để vận động các em tham gia vào cộng đồng . Ngày mồng 2 tháng Bảy vừa rồi có một đại hội của những người trẻ lãnh đạo từ khắp mọi nơi về, cuộc vận động này có rất nhiều những người đã từng tham gia đại hội đó, giờ đây bung ra để hoạt động và hướng dẫn, làm đội ngũ tiên phong trong chiến dịch này.”
Được hỏi liệu nếu gặp được đích thân Tổng Thống Obama ngày hôm nay, ông sẽ nói gì, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho biết:
“Tổng Thống Obama kêu gọi sự làm việc, đối tác và hợp tác của người dân Mỹ với lại Tòa Bạch Ốc, thì cộng đồng người Việt chúng tôi đã thỏa đáng và hưởng ứng một cách rất mạnh mẽ. Thì chúng tôi mong rằng chính quyền Obama sẽ hồi đáp lại bằng một nỗ lực làm việc, trao đổi, hội ý, đối thoại thực sự với cộng đồng của chúng tôi về những vấn đề quyền lợi của người Mỹ mà nằm ở Việt Nam. Đó là bộ phận đồng bào chúng tôi đang đau khổ ở Việt Nam.”
Thưa quý vị, chiến dịch thỉnh nguyện thư này là do nhạc sĩ Trúc Hồ, sáng lập viên của SBTN, hệ thống truyền hình lớn nhất của cộng đồng người Việt taị Hoa Kỳ, khởi xướng nhắm mục đích tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, và đòi trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang cùng các tù nhân chính trị khác ở Việt Nam, như một điều kiện để củng cố giao thương với Hoa Kỳ.