Theo các chuyên gia Việt Nam tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới sự đa dạng sinh học ở các rừng đước trên khắp Việt Nam.
Hãng thông tấn Bernama trích lời Tiến sĩ Hoàng Nghĩa Sơn, viện phó Viện Sinh học Nhiệt đới phát biểu tại một diễn đàn về tác động của biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học rằng sự đa dạng sinh học là cơ sở quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của các nước trên thế giới, tuy nhiên sự đa dạng này đã bị tác động nặng nề bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Cũng theo ông Sơn mực nước biển dự kiến sẽ dâng cao thêm 1m vào cuối thế kỷ này và sẽ làm mất đi 12% diện tích của Việt Nam, đồng thời tác động nặng nề tới những vùng bờ biển của Việt Nam đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
8 vườn quốc gia và 11 khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam khi đó sẽ bị nước mặn xâm lấn, làm chết nhiều loài sinh vật và động vật ở những khu vực này.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn tại trường Đại học Cần Thơ thì sự gia tăng của mực nước biển cũng như nhiệt độ và lượng mưa bất thường sẽ làm chết hàng hàng trăm loại cây và làm tăng nguy cơ cháy rừng cũng như làm chậm quá trình phát triển của các loài sinh vật.
Báo chí Việt Nam cũng trích lời ông Tuấn cũng cho rằng người dân vô tình hoặc cố ý đã góp phần làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày một lớn hơn và đa dạng sinh học ngày càng kém đi.
Theo ông, suốt hai thập niên qua, nhiều khu vực ngập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long bị tàn phá để nuôi trồng thủy sản.
Các vùng đất ngập nước bị đe dọa do khai thác thiếu tái tạo và quản lý yếu kém.
Trong khi ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc vườn quốc gia Tràm Chim cho rằng nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế và người dân không cần biết biến đổi khí hậu là gì, mà cái họ cần là sự mưu sinh qua ngày.
Nguồn: Bernama, VNA