Sau khi chấp nhận các cuộc biểu tình hàng tuần trước cổng đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội trong hơn một tháng qua, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu có hành động để ngưng những cuộc biểu tình này.
Hôm chủ nhật, công an đã bắt khoảng 12 người biểu tình và câu lưu họ trong vài giờ đồng hồ.
Những vụ bắt giữ này khởi đầu một giai đoạn mới trong vụ tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về phần lãnh thổ ở Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển này, nhưng Việt Nam và 4 nước khác cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực được cho là có trữ lượng dầu khí lớn này.
Căng thẳng đã tăng cao trong những tháng qua sau khi Hà Nội cáo buộc nước láng giềng khổng lồ xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam. Bắc Kinh nói rằng tàu bè của Việt Nam đã xâm nhập trái phép vùng lãnh hải của họ và gây nguy hiểm cho ngư dân Trung Quốc.
Tuy nhiên, kể từ hôm 25/6, căng thẳng đã có phần hạ nhiệt khi thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đi thăm Bắc Kinh. Sau chuyến thăm này, hai bên nói rằng họ nhấn mạnh tới nhu cầu cần phải “lái công luận đi theo đúng hướng” để tránh làm tổn hại đến quan hệ song phương.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trường Đại học New South Wales ở Australia, nói rằng các vụ bắt giữ này phù hợp với công bố chung đó.
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng một khi đặc sứ đã tới Trung Quốc và ký tên ông ấy vào thông cáo báo chí chung thì Việt Nam phải có phận sự giảm bớt chỉ trích và ngưng các cuộc biểu tình. Các vụ bắt giữ này tiếp theo sau vụ việc tuần trước đó khi công an tìm cách giải tán các cuộc biểu tình và đề nghị người biểu tình trở về nhà.”
Ông Thayer nói rằng qua hành động ngăn chặn các cuộc biểu tình, Hà Nội có thể nói với Trung Quốc rằng họ đã hoàn thành trách nhiệm của phía mình theo thỏa thuận. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng Hà Nội đã có thể ngăn chặn những cuộc biểu tình này từ trước đây.
Ông cho biết: "Khi họ không thích người Công giáo, họ vận động thanh niên và cựu chiến binh đánh đập những người Công giáo đó. Trong trường hợp này, họ đã có thể biết trước về các cuộc biểu tình, công an đã có thể hành động ngay lập tức."
Các chuyên gia khác về Việt Nam nói rằng Hà Nội đã dung chấp, thậm chí có thể đã khuyến khích các cuộc biểu tình, nhưng đã kiềm chế những cuộc biểu tình đó để tránh không gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.
Một người phát ngôn Bộ ngoại giao bác bỏ những cáo giác như vậy:
"Như tôi đã nói trong các cuộc họp báo lần trước, đây là phản ứng của người dân Việt Nam trước những diễn biến ở Biển Đông."
Ông Thayer nói rằng Trung Quốc cũng đã thay đổi chiến thuật, tìm cách tỏ ra hòa hoãn hơn.
Ông nói: "Tại thời điểm này, họ đang nở nụ cười và tìm cách dùng những lời lẽ ngoại giao để làm dịu tình hình, vì vậy đã có sự thay đổi chiến thuật."
Ông Thayer lưu ý rằng cả hai bên có thể đang theo dõi quan hệ của Hoa Kỳ với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. 4 nước trong hiệp hội này đang tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Cuối tháng này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton sẽ nhóm họp cùng các vị bộ trưởng ngoại giao của ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Vấn đề Biển Đông dự kiến sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Washington trước đây từng tuyên bố rằng việc đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Việc Việt Nam gần đây trấn áp những người biểu tình chống Trung Quốc đánh dấu một sự chuyển đổi trong cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh. Thông tín viên Marianne Brown có bài tường trình chi tiết từ Hà Nội.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1