Có nhiều phần chắc Việt Nam sẽ tìm cách thuyết phục các quốc gia láng giềng cũng như các nước trên thế giới tham gia các cuộc đàm phán về lãnh hải với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở biển Đông.
Nhật báo Anh ngữ China Daily của Trung Quốc, trích lời các phân tích gia cho rằng nỗ lực đó của Việt Nam nhiều khả năng sẽ ‘bất thành’.
Hồi cuối tháng 11 năm 2009, Hà Nội đã tổ chức một cuộc hội thảo quốc tế bàn về vấn đề tranh chấp lãnh hải ở biển Đông với sự tham gia của hơn 150 học giả và giới chức từ nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả từ Trung Quốc.
Báo China Daily trích dẫn lời ông Tô Hạo, Giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột và Chiến lược Trung Quốc, nói rằng ‘hội thảo này mang động cơ chính trị’.
Ông Tô, một người tham dự cuộc hội thảo đó, cho rằng Việt Nam ‘rõ ràng đang tìm cách quốc tế hóa’ vấn đề biển Đông. Ông này được trích lời nói, xin trích: ‘Việt Nam đang đưa vấn đề (biển Đông) trở thành đa phương, với sự tham gia của cả nhiều nước ngoài khu vực châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này’.
Ông Tô cũng cho rằng Trung Quốc cần phải giữ nguyên sách lược đàm phán ‘song phương’ nhằm giải quyết cuộc tranh chấp ở biển Đông, thay vì ‘với nhiều nước cùng lúc’.
Trả lời VOA Việt Ngữ từ Hà Nội trước thông tin của tờ China Daily, ông Dương Danh Dy, một chuyên gia về quan hệ Việt – Trung, người từng nắm giữ chức vụ Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, nói:
“Điều rất kỳ lạ là tại Hội nghị biển Đông họp ở Việt Nam ngày 26 – 27/11 năm ngoái, mặc dù Trung Quốc có sáu đại biểu tới tham dự, và trước những lời công kích trực diện của một số đại biểu tham dự hội nghị tới từ các nước, thì tôi thấy thái độ của các đại biểu Trung Quốc rất ôn hòa. Họ không gay go, không đáp lại như tại các cuộc hội thảo khác. Nhưng ngay sau đó thì lập tức phía Trung Quốc bắt đầu tập trung chủ yếu vào công kích, cái mà họ gọi là ý đồ muốn quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam, và cho tới gần đây thì càng ngày càng cao giọng. Và hiện nay, dư luận của họ tập trung vào chuyện quy tội cho Việt Nam chủ xướng chuyện quốc tế hóa biển Đông. Tất cả là nhằm vào Việt Nam. Họ dùng một câu như thế này: ‘Muốn bắt giặc thì phải bắt vua, bắt chúa’, tức là trong cái ‘giặc’ Đông Nam Á này, thì anh ‘chúa’, anh ‘vua’ Việt Nam là nguy hiểm nhất. Đánh tan Việt Nam rồi thì các nước khác dễ dẹp hơn. Thông tin trên mạng Hoàn Cầu chính thức của Trung Quốc đấy!”
Trong khi đó mới đây, một giới chức hải quân hàng đầu của Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác, đã bày tỏ quan ngại về việc các quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang tăng cường các hạm đội tàu ngầm ở khu vực biển lân cận với Trung Quốc và coi đó là ‘một mối đe dọa’ đối với nước này.
Đánh giá về lo ngại này, ông Dương Danh Dy cho rằng việc lên tiếng như vậy nhằm ‘chống chế với thế giới và dư luận trong nước’.
Ông Dương nói: “Lực lượng hải quân, lực lượng tàu ngầm của các nước ASEAN cộng lại cũng không bằng Trung Quốc, mạnh bằng Trung Quốc. Chẳng qua theo tôi, đó là một cách họ lên tiếng như vậy để cho dư luận thế giới đỡ chú ý tới việc tăng cường của họ và để cho nhân dân trong nước thấy rằng họ phải tăng cường ngân sách quốc phòng, cần tăng cường hải quân là vì những yếu tố bên ngoài như vậy thôi. Chứ còn thực ra 6 cái tàu ngầm Kilo của Việt Nam, mấy cái tàu ngầm của Malaysia… thì làm sao địch nổi (với Trung Quốc). Hiện nay họ có hơn 60 tàu ngầm trong đó có cả tàu ngầm nguyên tử."
Liên quan tới Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung hơn 30 năm trước, tờ China Daily mới đây cũng cho đăng một bài viết, thúc đẩy nhanh việc thành lập Ngày Cựu chiến binh nhằm ‘ghi công’ những binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc chiến ngắn ngày nhưng khốc liệt này.
Liên quan tới thông tin này, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nói:
“Xung quanh chuyện 30 năm cuộc chiến biên giới, trong khi phía Việt Nam vì giữ đại nghĩa cho nên im lặng, không đề cập đến thì trên mạng của họ hầu như ngày nào cũng có bài viết lên tinh thần rồi gương hy sinh dũng cảm. Không những thế, họ còn có những chuyện, những kịch bản, bài hát về cuộc chiến tranh biên giới đó. Điều đó chứng tỏ là nội bộ Trung Quốc hiện nay đang có những chuyện đấu tranh gay gắt trong nội bộ với nhau”.
Trong một diễn biến khác, hôm thứ Hai, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của Việt Nam cam kết sẽ đẩy mạnh mối quan hệ song phương với Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết ông Mạnh đưa ra cam kết đó trong cuộc gặp với phái đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc do ông Vương Gia Thụy, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương dẫn đầu và hiện ở thăm Việt Nam.
Nguồn: China Daily, Xinhua, VOA Interview with Duong Danh Dy, an expert on Vietnam – China Relations and former Consul General in Quangzhou, China
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1