Việt Nam hôm nay đã trao giấy phép cho đại diện của hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ, chính thức nối lại hoạt động cho nhận con nuôi giữa hai nước sau 6 năm đình trệ.
Hai tổ chức Dillon International và Holt International Children’s Services đã được cấp phép hoạt động trong chương trình “Con nuôi đặc biệt”, bao gồm trẻ em có nhu cầu đặc biệt, trẻ từ năm tuổi trở lên, và nhóm trẻ em là anh chị em ruột.
VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Con nuôi, Bộ Tư pháp Việt Nam, ngay sau buổi lễ tại Hà Nội, với sự tham dự của Đại biện Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ.
Trước hết, ông Bình cho biết ý nghĩa của việc cấp phép này:
"Cái này thì nó là cái hoạt động bình thường thôi. Việt Nam là thành viên của Công ước La Hay và Mỹ cũng là thành viên của công ước La Hay thì phải hợp tác với nhau và theo luật chơi chung là Công ước La Hay (về Bảo vệ trẻ em và Hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế).Hai tổ chức con nuôi của Hoa Kỳ được cấp phép ngày hôm nay là tổ chức thứ 33 và 34 của 11 nước, 12 nước có mặt ở Việt Nam. Bình thường thôi mà."
VOA: Hai công ty của Mỹ họ phải đáp ứng các điều kiện gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Bình: Họ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo pháp luật của Hoa Kỳ cũng như đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo pháp luật của Việt Nam và công ước La Hay, có nghĩa là họ phải hoạt động nhân đạo, hoạt động phi lợi nhuận, giúp cho các gia đình cha mẹ nuôi ở Hoa Kỳ muốn nhận trẻ em ở Việt Nam. Họ đâu có vào Việt Nam được. Công ước quy định như vậy, và luật Việt Nam cũng như Hoa Kỳ đều quy định như vậy.
Hai tổ chức này là hai trong số hơn 200 tổ chức của Hoa Kỳ có đủ điều kiện như vậy nhưng mà Việt Nam chọn hai tổ chức này. Qua một quá trình kiểm tra, thẩm định, thì Việt Nam chọn hai tổ chức này cấp phép đầu tiên.
VOA: Việt Nam từng bị Mỹ cáo buộc là đã để xảy ra những sai phạm trong việc nhận con nuôi. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ làm gì để đảm bảo những chuyện đó không xảy ra?
Ông Nguyễn Văn Bình: Nói cáo buộc thì nó cũng chẳng hẳn. Cái câu chuyện năm 2007 – 2008, đến nay là bao nhiêu năm rồi? Chừng ấy năm thì Việt Nam đã làm cái luật mới. Việt Nam đã tham gia Công ước La Hay và Việt Nam đã cho nhận con nuôi theo Công ước La Hay với lại 11 nước rồi. Hoa Kỳ là nước thứ 12. Ở các nước khác họ cũng thực hiện chuẩn theo công ước La Hay cả, không riêng gì Hoa Kỳ. Về phía Hoa Kỳ, họ cũng có những chuẩn bị ở trong nước nữa và đến bây giờ, họ cũng chuẩn bị đủ để mà hợp tác với Việt Nam thôi. Tất nhiên ở Việt Nam, ở đâu cũng vậy, khi mà có những khó khăn trở ngại, có những vướng mắc thì mình điều chỉnh. Sai thì sửa, có vấn đề gì đâu.
Hồi năm 2008, Washington và Hà Nội đã ngưng gia hạn một thỏa thuận cho nhận con nuôi sau khi phía Hoa Kỳ phát hiện các ‘sai phạm’ mà Việt Nam cho là ‘không xác đáng’.
Viện Báo chí Điều tra Schuster của Mỹ từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng qua các thông tin bà thu nhận được từ yêu tiếp cận thông tin theo Đạo luật Tự do Thông tin (Freedom of Information Act) của Mỹ, nhiều người từ cơ quan quản lý vấn đề giao nhận con nuôi, các trung tâm trẻ mồ côi, bệnh viện, giới chức chính phủ Việt Nam đã ‘hưởng lợi’ từ các vụ giao nhận con nuôi ‘không minh bạch’ cho các công dân Mỹ vốn không mảy may nghi ngờ về các tiêu cực.
Sau khi phía Mỹ đưa ra các cáo buộc, Việt Nam đã tăng cường cam kết cải thiện hệ thống cho nhận con nuôi.
Luật Con nuôi, Nghị định thi hành và các thông tư liên quan đã lần lượt được thông qua và đang được triển khai.
Dù việc nhận cho nhận con nuôi một cách giới hạn đã được tái tục, phía Mỹ cho biết ‘vẫn tiếp tục theo dõi chương trình phúc lợi trẻ em của Việt Nam nhằm xác định việc mở rộng chương trình con nuôi nước ngoài’.
Theo Viện Báo chí Điều tra Schuster, trong khoảng thời gian từ 2006 tới 2009, các công dân Hoa Kỳ đã nhận nuôi tổng cộng hơn 2.200 em nhỏ từ Việt Nam.