Kinh tế Việt Nam đang trải qua một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 4 vừa qua, trong Quý 1 đã có hơn 2200 doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, hơn 9700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng nghĩa vụ thuế. Trong khi đó số thành lập mới là 15300 doanh nghiệp.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trước đây mỗi Năm Việt Nam có khoảng 5000 tới 7000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, hoặc phá sản. Tới năm 2011, số doanh nghiệp rơi vào tình trạng này lên tới 10000 doanh nghiệp mỗi Quý.
Số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động nhiều như vậy nhưng số doanh nghiệp thực tế đệ đơn xin phá sản chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số liệu từ Tòa Kinh tế TPHCM cho thấy cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp; trong khi chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TPHCM công bố có đến trên 3.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Câu hỏi là tại sao lại có ít vụ phá sản như thế ở Việt Nam?
Được chia mất tự chịu
Đứng về góc độ kinh tế, hình thức doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn, và sau này là cổ phần, cùng với luật về phá sản là một sáng tạo độc đáo của loài người. Nó tạo ra một sân chơi mới rộng lớn và an toàn để tất cả mọi người có thể tham gia làm giàu cho mình và cho xã hội mà không phải lo mất trắng.
Mỗi cá nhân khi bước chân vào thị trường lao động thường có hai lựa chọn – hoặc là đi làm cho người khác để hưởng lương, hoặc trở thành một doanh nhân. Người ta chỉ chọn trở thành doanh nhân khi họ cho rằng thu nhập kỳ vọng từ công việc này cao hơn. Thu nhập kỳ vọng này bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố về thị trường, khả năng của doanh nhân về ý tưởng, sản phẩm, năng lực triển khai, tài chính…, và các chính sách của nhà nước.
Trong trường hợp một doanh nhân thành công, thì không chỉ có doanh nhân này được hưởng lợi. Nhà nước và xã hội được lợi thông qua thu thuế. Người lao động được hưởng lợi thông qua việc có công ăn việc làm. Người tiêu dùng được hưởng lợi vì có sự lựa chọn sản phẩm hoặc dịch vụ đa dạng hơn. Thế nhưng khi một doanh nhân thất bại, nếu không có hình thức trách nhiệm hữu hạn và luật về phá sản, thì toàn bộ rủi ro từ hoạt động kinh doanh sẽ rơi xuống đầu doanh nhân đó. Nói các khác, rủi ro thì hưởng trọn, mà lợi ích thì phải chia ra.
Trong những trường hợp như vậy, số lượng người dám “liều” làm kinh doanh sẽ ít hơn mức tối ưu cho xã hội. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ thất bại sau một thời gian ngắn. Theo Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ Hoa Kỳ (SBA), hơn 50% các doanh nghiệp mới thành lập sẽ biến mất trong vòng 5 năm. Một nghiên cứu khác của tạp chí Inc. và Hiệp hội Hỗ trợ Doanh nghiệp Quốc gia (National Business Incubator Association) cho thấy hơn 80% doanh nghiệp sẽ thất bại trong vòng 5 năm kể từ ngày thành lập. Thống kê ở New Zealand cũng cho thấy 53% số doanh nghiệp mới thành lập sẽ thất bại trong vòng 3 năm.
Luật về phá sản trở thành một công cụ bảo hiểm cho các doanh nhân. Nó giới hạn mức độ rủi ro mà các doanh nhân này phải gánh chịu trong trường hợp hoạt động kinh doanh bị thất bại. Trong trường hợp thất bại, những gì một chủ doanh nghiệp mất chỉ bị giới hạn trong số tài sản mà doanh nhân này bỏ ra trong doanh nghiệp. Vì thế, sau khi doanh nghiệp phá sản, doanh nhân vẫn có thể bắt đầu một doanh nghiệp mới trong trường hợp họ muốn tiếp tục theo đuổi công việc kinh doanh và chấp nhận chịu đựng rủi ro.
Chính vì phát minh ra công cụ bảo hiểm này mà hoạt động kinh doanh khắp thế giới mới bùng nổ. Rất nhiều nghiên cứu định lượng đã chỉ ra vai trò của luật này trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế. Thí dụ nghiên cứu của David M. Primo (giáo sư Đại học Rochester) và William Scott Green (giáo sư đại học Miami) cho thấy khi luật về phá sản cởi mở hơn thì hoạt động tự doanh sẽ tăng lên.
Được phá sản và bắt đầu lại từ đầu là một quyền lợi của chủ doanh nghiệp. Trong trường hợp của Việt Nam, quyền này được pháp luật thừa nhận. Thế nhưng trên thực tế thì rất hiếm khi quyền này được thực hiện. Như đã dẫn ở trên, số liệu từ Tòa Kinh tế TPHCM cho thấy cả năm 2011 chỉ thụ lý 11 vụ phá sản doanh nghiệp; trong khi chỉ hai tháng đầu năm 2012 Cục Thuế TPHCM công bố có đến trên 3.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Tại sao không phá sản được?
Có 4 lý do chính dẫn đến việc không có nhiều doanh nghiệp sử dụng hình thức phá sản ngay cả khi doanh nghiệp của họ đã kiệt quệ và không còn khả năng hồi phục.
Thứ nhất, luật pháp coi những chủ doanh nghiệp phá sản như những tội nhân. Theo quy định của pháp luật hiện nay, chủ doanh nghiệp phá sản và những người quản lý doanh nghiệp đó sẽ bị tòa ra quyết định không được quyền thành lập cũng như cấm đảm nhiệm các chức vụ quản lý doanh nghiệp từ một đến ba năm, kể từ ngày doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản.
Điều này trên thực tế mâu thuẫn với tinh thần của luật phá sản. Nó làm hỏng mất dụng ý ban đầu của các nhà làm luật. World Bank, trong một báo cáo năm 2005 có tựa đề “Doing Business in 2006: Creating Jobs” có viết “các luật (quá khó khăn) làm ngăn cản việc sử dụng quyền được phá sản.Và chúng làm giảm tinh thần kinh doanh: các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các doanh nhân thường thử nhiều lần trước khi có được thành công. Trừng phạt chuyện lừa đảo là đúng, nhưng phá sản là chuyện khác. Một doanh nhân có thể không gặp may hoặc mắc sai lầm. Con nợ phải phá sản bản thân họ đã phải đối diện với gánh nặng tâm lý rồi. Tại sao còn phải trừng phạt họ về mặt pháp luật nữa?
Thứ hai là ngay cả khi doanh nghiệp đã nộp đơn xin phá sản, trình tự và quy trình xử lý các hồ sơ xin phá sản ở Việt Nam quá mất thời gian và rất khó thực hiện. Trong tuyệt đại đa số trường hợp quá trình này kéo dài hàng năm, thậm chí nhiều năm trời. Thị trường mua bán nợ không phát triển khiến việc xử lý các khỏan nợ (có thế chấp) khi doanh nghiệp phá sản trở nên rất khó khăn, đặc biệt là khi nó liên quan đến nhiều chủ nợ.
* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.