Hoạt động đầu tư của Việt Nam vào Campuchia đang tăng mạnh trong lúc một số nông dân ở vương quốc này tố cáo rằng các công ty Việt Nam chiếm cứ đất đai của họ.
Theo tường thuật của hãng thông tấn Reuters đánh đi từ Phnom Penh hôm thứ tư, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tức Agribank, đã mở chi nhánh đầu tiên ở Campuchia hồi đầu tuần này, và đây là một diễn tiến nêu bật mối liên hệ kinh tế ngày càng tăng giữa hai nước láng giềng.
Chính phủ Campuchia lâu nay vẫn ra sức thúc đẩy cho các mối quan hệ với Việt Nam giữa lúc bang giao với lân bang Thái Lan bị căng thẳng trong những năm gần đây vì vụ tranh chấp chủ quyền đối với một ngôi đền cổ ở biên giới.
Nhưng nhiều người Campuchia từ xưa tới nay vẫn có thái độ nghi ngại đối với nước láng giềng lớn hơn nhiều ở phía đông và sự tăng mạnh của hoạt động đầu tư của Việt Nam ở Campuchia đã gặp phải những sự chỉ trích, trong đó có tố cáo cho rằng các công ty Việt Nam chiếm đất của Campuchia.
Phái viên Reuters trích lời ông Lê Biên Cương, tham tán thương mại của đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, nói rằng thương mại song phương đã tăng 40% trong năm nay và có thể đạt mức 2 tỉ đô la.
Phát biểu tại lễ khai trương chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Phó Thủ tướng Campuchia Men Sam An nói rằng Việt Nam là “người bạn rất tốt” của Campuchia. Bà An nói thêm rằng Campuchia lúc nào cũng hoan nghênh các công ty Việt Nam.
Tuy nhiên, sự tham gia của các công ty Việt Nam trong ngành cao su của Campuchia đang dấy lên một sự tranh cãi tại một nước mà sự nghi ngại lâu đời về âm mưu của Việt Nam nhằm xâm lấn lãnh thổ vẫn còn tồn tại.
Trong năm nay khoảng 11 công ty Việt Nam loan báo họ đã được chuyển nhượng tổng cộng 100 ngàn héc ta đất để trồng cao su ở Campuchia.
Nhưng các tổ chức nhân quyền và dân làng ở đây đã bày tỏ quan tâm về những vụ chuyển nhượng mà họ cho là tước đoạt đất đai của người Campuchia.
Bà Dorn Sina, 56 tuổi, thuộc một nhóm gồm 1.000 gia đình dính líu vào một vụ tranh chấp đất đai với một công ty cao su của Việt Nam từ năm 2005 ở tỉnh Kompong Thom. Bà nói rằng cuộc sống của bà hiện nay tại một địa điểm di dời do chính phủ chỉ định rất đỗi cơ cực vì phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Ông Pen Bonnar, điều hợp viên của tổ chức nhân quyền Adhoc ở tỉnh Ratanakkiri, cho biết rằng dân làng ở đây cũng có tranh chấp về đất đai mà các nhà đầu tư Việt Nam dùng để lập đồn điền cao su.
Họ tin rằng những dự án đầu tư này không mang lại lợi ích nào đáng kể về mặt tạo thêm công ăn việc làm.
Nguồn: Reuters, VietnamPlus
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1