Trong thành phần lãnh đạo mới của Việt Nam, có nhiều người là ủng hộ viên của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong tổng số 22 ghế bộ trưởng và thủ trưởng các cơ quan ngang với bộ được phê chuẩn hôm nay, có tới 15 nhân vật mới, nhưng nhiều người đã được thăng chức từ những vị thế đứng phó, và do đó các nhà phân tích nói không có nhiều dấu hiệu cho thấy là Hà Nội sẽ thay đổi đường hướng hiện nay.
Quốc hội Việt Nam còn phê chuẩn 4 Phó Thủ Tướng, trong số này có 2 khuôn mặt mới.
Hãng tin Reuters hôm nay tường trình rằng cả 4 vị đều được coi là những người trung thành với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Giới phân tích nói rằng quyền lực của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã được củng cố, cho phép ông kiểm soát nền kinh tế hơn 100 tỉ đôla, hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, kể cả tỷ lệ lạm phát cao, và các mức thâm hụt ngân sách cũng như thâm hụt trong cán cân thương mại, trong bối cảnh tiền tệ bấp bênh.
Chức vụ rất quan trọng là bộ trưởng tài chính được giao cho ông Vương Đình Huệ, một kiểm sát viên được đào tạo ở Nga. Ông Huệ sẽ nhận lãnh trách nhiệm kiềm chế tỷ lệ lạm phát bị xếp vào hạng cao nhất trên thế giới. Bộ trưởng Tài chính sắp từ nhiệm, ông Vũ văn Ninh, được bổ nhiệm vào chức phó Thủ Tướng.
Quyết định bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ được coi là một dấu hiệu cho thấy Hà nội muốn giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhà nước, sau khi công ty đóng tàu Vinashin sụp đổ dưới gánh nặng nợ nần chồng chất hồi năm ngoái.
Quốc Hội cũng phê chuẩn ông Nguyễn Văn Bình vào chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Ông Bình là một nhà kỹ trị cũng được đào tạo tại Nga, ông từng làm việc với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Ngân Hàng nhà nước Việt Nam trong thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu từ năm 1997-1998.
Reuters trích lời chuyên gia về Việt Nam Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia và Đại học New Sth Wales, nói rằng Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thành công trong vận động để chức vụ Thủ Tướng trở thành một trong các chức vụ quyền lực nhất trên chính trường Việt Nam.
Theo Giáo sư Thayer, thì trong nhiệm kỳ thứ nhì, Thủ Tướng Dũng sẽ còn năng động hơn nữa, sẵn nhờ thế thượng phong trong chính phủ, nay lại được sự tiếp tay của các phó Thủ Tướng có lập trường ủng hộ ông.
Hồi tuần trước, Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đã được bầu lại để duy trì chức vụ trong thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, nền kinh tế đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Giới chỉ trích nói Thủ Tướng Dũng đôi lúc phản ứng quá chậm, và thường hay gạt những lời cố vấn từ bên ngoài sang một bên.
Cả ba cơ quan đánh giá tín dụng quốc tế đã hạ mức độ tin cậy tín dụng của Việt Nam hồi năm ngoái.
Về thành phần nhân sự mới, Giáo sư Thayer nói 2/3 nhân sự không thay đổi, hoặc được trao lại cho người đứng phó, cho thấy dấu hiệu chính sách hiện nay sẽ không thay đổi.
Reuters trích lời một nhà kinh tế ở Singapore, ông Matt Hildebrandt, thuộc JP Morgan Chase & Co, nói rằng ông hy vọng thành phần nhân sự mới sẽ đưa đến một chính sách kinh tế nhất quán hơn, dẫn đến ổn định kinh tế trong trung hạn, điều mà các nhà làm chính sách Việt Nam đã không đạt được từ năm 2007 tới nay.
Kinh tế gia này nói rằng ông Nguyễn Văn Bình, trong cương vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã tăng tới 22,16% trong tháng Bảy, bất chấp các biện pháp siết chặt tiền tệ. Tiền đồng đã mất giá 22% so với đồng đôla, tính từ năm 2008 tới nay, nhưng trong những tháng gần đây đã có dấu hiệu ổn định.
Một nhà ngoại giao xin được dấu tên nói kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế chỉ là một phần trong những công tác trước mắt đối với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và thành phần chính phủ mới. Một trách nhiệm không kém quan trọng là chuẩn bị Việt Nam cho giai đoạn phát triển mới. Và vấn đề quan trọng nhất là ý chí chính trị.
Nguồn: CN1214866, Reuters