Bộ Công an Việt Nam chiều ngày 8/12 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng, Phó Ban Kinh tế Trung ương, để điều tra về 'hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.'
Truyền thông Việt Nam loan tin rằng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định bắt ông Thăng ngay sau khi bị Bộ Chính trị ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Đinh La Thăng, với tư cách là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kể từ ngày 8/12.
Trước đó, chiều cùng ngày, hãng tin AP và Reuters cho biết ngày 8/12 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên bất thường, thông qua 2 nghị quyết với sự đồng thuận của tất cả ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt, về việc cho thôi đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.
Vào tháng 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức “cảnh cáo” và “cho thôi giữ chức” Ủy viên Bộ Chính trị khoá 12. Đồng thời, ông Thăng bị buộc phải thôi chức Bí thư thành ủy TP.HCM.
Ban chấp hành Trung ương đã xác định rằng ông Thăng “đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác nhân sự trong thời gian ông giữ cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009-2011, theo truyền thông trong nước.
Trước phiên họp của Ban chấp hành Trung ương về việc kỷ luật ông Thăng, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, nói với VOA rằng nếu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đội ngũ của ông “thành công trong việc kỷ luật ông Thăng”, có thể “ông Thăng chưa phải là mục tiêu cuối cùng”.
Tiến sĩ Hiệp nói việc “cách các chức vụ trong quá khứ” gần đây đã trở thành một tiền lệ trong Đảng Cộng sản. Ông Hiệp nói thêm là “không loại trừ khả năng” hình thức này sẽ được áp dụng cho cả “các nhân vật từng nằm trong ‘tứ trụ’”, tức là bốn nhà lãnh đạo hàng đầu về mặt đảng, quốc hội và chính phủ của Việt Nam.