Các phân tích gia cho rằng ngân hàng trung ương Việt Nam cần phải có một thông điệp “rõ ràng và nhất quán” về chính sách tiền tệ để lấy lại niềm tin sau hiện tượng lãi suất tăng vọt và kéo theo lạm phát tăng cao.
Hãng tin Bloomberg trích lời phân tích gia Võ Trí Thành tại Viện Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu tại môt cuộc họp của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hôm cuối tuần qua rằng “các chính sách trong năm 2010 rất khó hiểu” và điều đó đã ảnh hưởng tới sự ổn định của nền kinh tế.
Ông Thành cho rằng sự thiếu nhất quán trong chính sách quản lý tiền tệ và ngoại hối đã ảnh hưởng tới niềm tin vào chính sách của ngân hàng trung ương.
Theo ông Hà Văn Hiền, chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội thì lãi suất ký thác và tín dụng ở Việt Nam đã tăng một cách “phức tạp”, nhất là trong hai tháng qua. Thậm chí một số ngân hàng từng tăng lãi suất ký thác lên đến 18% nhằm thu hút tiền đồng.
Cũng theo ông Hiền thì lạm phát đã “tăng cao hơn nhiều so với dự báo”, ông cho rằng lãi suất cao đã góp phần vào sự gia tăng này.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12 ở Việt Nam đã lên đến 11.75%, mức cao nhất trong năm nay và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2, 2009.
Một thành viên khác của ủy ban kinh tế, ông Trần Du Lịch cho rằng chính phủ dường như không theo các qui định về việc sử dụng chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Chính phủ Việt Nam đã hạ giá tiền đồng 3 lần kể từ tháng 11 năm ngoái, và theo nhận định của Quĩ Tiền tệ Quốc tế thì việc giảm giá tiền tệ đóng một “vai trò đáng kể” đối với tình trạng lạm phát tăng cao.
Ngân hàng trung ương cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng gần 1 năm vào ngày 5/11, một ngày sau khi chính phủ công bố đặt ưu tiên kiềm chế lạm phát lên trên thúc đẩy tăng trưởng.
Dow Jones cho biết Việt Nam đang nhắm mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3,5% trong nửa đầu năm 2011 và dưới 7% cho cả năm 2011.
Tuy nhiên, theo một phân tích gia tại TP. Hồ Chí Minh thì sức ép giá cả sẽ vẫn gia tăng trong năm 2011 và rất khó để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 7% trong năm tới.
Nguồn: Bloomberg, Dow Jones