Bộ Ngoại giao hôm nay bác bỏ những hình ảnh và tin tức trên mạng nói rằng Việt Nam đang chuyển vũ khí về phía biên giới Tây Nam liên quan đến tình hình bất ổn ở biên giới với Campuchia trong những ngày gần đây.
Báo chí nhà nước dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 16/7 khẳng định ‘Thông tin Việt Nam chuyển vũ khí vào Nam không xác thực.’
Các trang mạng truyền thông xã hội đang nhanh chóng lan truyền thông tin và hình ảnh cho rằng các đoàn xe thiết giáp và khí cụ đang được các toa tàu hỏa chuyên dụng vận chuyển vào Nam trước tình hình căng thẳng biên giới.
Thông tin này xuất hiện sau những va chạm tại khu vực biên giới hôm 28/6 khi 250 người Campuchia và một số nghị sĩ đảng đối lập nước này xâm nhập ‘bất hợp pháp’ vào lãnh thổ Long An và một số phần tử quá khích trong nhóm đã tấn công võ lực, gây thương tích cho 7 người Việt. Phía Campuchia có 10 người bị thương, theo tờ Bangkok Post.
Việt Nam lên án đây là hành động phi pháp, trái với các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời yêu cầu Campuchia xử lý thỏa đáng để tránh tái diễn và ‘bảo đảm cho công tác phân giới cắm mốc được tiến hành thuận lợi vì lợi ích chung của nhân dân hai nước’.
Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh Hà Nội coi trọng quan hệ láng giềng với Campuchia và mong phát triển đường biên giới trong hòa bình, hữu nghị.
Truyền thông nhà nước nói vụ gây rối biên giới cuối tháng rồi là do các phần tử quá khích, cho nên, sẽ không dẫn tới việc hai nước phải dùng tới các biện pháp quân sự để xử lý.
Theo trang điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam, tin đồn trên internet về việc chuyển khí tài vào Nam ‘gây nên tình trạng hoang mang cho mối quan hệ truyền thống tốt đẹp’ giữa Việt Nam-Campuchia, đồng thời khuyến cáo dân chúng ‘cảnh giác đối với những thông tin không có sự xác thực của các cơ quan chức năng.’
Phe đối lập Campuchia lâu nay phản đối các mối quan hệ gần gũi giữa Phnom Penh với Hà Nội, cho rằng chính phủ của Thủ tướng Hun Sein nhu nhược trước các hành động ‘xâm lấn’ của Việt Nam.
Trong quá khứ, Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) của Campuchia đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình dọc đường biên giới trải dài 1270 cây số giữa đôi bên.
Việc hai nước chưa hoàn tất toàn bộ công tác cắm mốc phân ranh đã dẫn tới nhiều vấn đề trong đó có các vụ va chạm.
Lãnh tụ Sam Rainsy của đảng đối lập CNRP nói nhóm của họ không có lỗi trong vụ ẩu đả với người Việt Nam hôm 28/6 và yêu cầu chính phủ Campuchia phải xử lý ‘những người nước ngoài coi thường người Campuchia…và nuốt chửng đất đai của dân Campuchia.’
Người ta tin rằng vụ việc bắt nguồn từ các cáo giác gần đây rằng Việt Nam đào một số ao hồ bất hợp pháp bên trong lãnh thổ Campuchia và có kế hoạch xây dựng một đồn quân sự trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình của Việt Nam khi trả lời báo giới không hồi đáp các câu hỏi liên quan đến những tố cáo vừa kể.
Sau vụ bạo động biên giới cuối tháng rồi, các nhà lập pháp thuộc đảng đối lập CNRP đã yêu cầu Quốc hội Campuchia tạm ngưng mọi hoạt động cắm mốc với Việt Nam cho tới kỳ bầu cử toàn quốc năm 2018.
Trong thông cáo gửi báo chí hôm qua, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin cho biết Quốc hội bác đề nghị này.
Ông Samrin loan báo Quốc hội Campuchia đã chấp thuận việc thành lập một ủy ban biên giới và công tác của ủy ban này sẽ được xúc tiến.
Nhà lập pháp đối lập Um Sam An cho đài VOA biết ông sẽ gửi đơn khiếu nại lên Hội đồng Hiến pháp.
Theo cáo giác của đảng CNRP, Việt Nam cho tới nay vẫn chưa lấp các ao hồ ở vùng biên giới cũng như vẫn tiếp tục tiến hành công trình thi công trên một con đường gần biên giới ở tỉnh Svay Rieng, cách nơi xảy ra va chạm hồi tháng rồi không xa.
Công tác cắm mốc biên giới với Việt Nam vẫn là một vấn đề tranh cãi chính trị ở Campuchia.
Trong tháng này, các thành viên của đảng cầm quyền Campuchia trong ủy ban biên giới đã gặp các đối tác phía Việt Nam, nhưng cuộc họp không đạt được mấy tiến bộ và cả đôi bên nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán cắm mốc phân ranh.
Trước đó, giữa tháng 6, Bộ Ngoại giao Campuchia đã liên tục gửi công hàm tới đại sứ quán Việt Nam ở Phnom Penh yêu cầu Hà Nội ngưng công tác đào ao hồ ‘lấn đất’ Campuchia và nhắc lại sự đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước là không thay đổi các khu vực chưa cắm mốc.
80% đường biên giới Việt Nam-Campuchia đã được cắm mốc, nhưng trước nay cả hai bên đều tố cáo đối phương di dời các dấu mốc.
Hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và ký Hiệp ước bổ sung vào năm 2005.
Theo Infonet, PLO/IBTimes,Bangkok Post, VOA.