Lực lượng công quyền Việt Nam đã xịt hơi cay giải tán hàng ngàn người tập trung biểu tình phản đối cái chết của người thanh niên bị công an bắt giữ tại tỉnh Bắc Giang.
Bản tin ngày 28 tháng 7 của AFP trích dẫn nguồn tin từ một giới chức thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh xác nhận vụ việc xảy ra hôm chủ nhật vừa qua. Giới chức không muốn nêu danh tánh nói rằng hàng ngàn người dân đã kéo đến trước trụ sở Ủy ban, yêu cầu làm rõ thực hư về trường hợp tử vong của nạn nhân tên Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, trước đó bị công an bắt giữ vì vi phạm luật giao thông.
Nguồn tin này cho biết cảnh sát cơ động dùng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình, và có 6 người kháng cự đã bị bắt về đồn để thẩm vấn, nhưng sau đó đã được thả. Vẫn theo lời thuật lại của giới chức này, tình hình hiện nay tại địa phương đã tạm ổn.
Cùng ngày 28/7, AP đưa tin hàng ngàn người phẫn nộ đã bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, gây ách tắc giao thông, ném đá, phá cổng và một phần hàng rào sắt, và đặt quan tài của nạn nhân trước cửa Ủy ban.
Một người dân địa phương có tham gia trong cuộc biểu tình trước Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, đòi chính quyền điều tra làm rõ về cái chế của nạn nhân này, cho Ban Việt Ngữ đài VOA biết:
“Khoảng độ hàng vạn người dân biểu tình, đông lắm, kéo dài từ 1 giờ đến 6 giờ chiều. Lực lượng công an cũng đông lắm, dùng dùi cui và cả pháo cay để dẹp dân cơ mà. Đáng lẽ công an mà… thì dân không phẫn nỗ đâu, nhưng do lực lượng công an chặn từ đầu cầu mới của tỉnh Bắc Giang, dùng 3 ô tô chặn ngang đường. Cho nên, dân lủi vào ô tô của công an để kéo quan tài đi vào thành phố. Vào đến Ủy ban tỉnh Bắc Giang, công an làm hàng rào chắn không cho xe tang vào trong Ủy ban thì dân mới bắt đầu kéo đổ các tường rào của Ủy ban. Lúc ấy, công an với dân khủng hoảng đánh nhau. Dân cũng có một số người đi viện, mà công an cũng có một số người đi viện.
Tôi cũng là một người dân phẫn nộ quá cho nên tôi phải đi biểu tình. Tôi nghĩ nếu ngành công an đã gây ra cái chết cho (anh Khương) thì tự đi đầu thú, nhận tội, chứ việc gì phải đi đổ lỗi. Cái chết này oan quá, cho nên tôi cùng người dân phẫn nộ ở đây đi biểu tình. Cả hàng vạn người trong tỉnh đi biểu tình chứ không phải mình tôi, để đòi hỏi công lý. Đến 5, 6 giờ tối vẫn còn đông cơ mà. Lúc sau, ông bố của nạn nhân thông báo Chủ tịch tỉnh và Giám đốc công an tỉnh ký lệnh chịu trách nhiệm điều tra vụ án, thì dân mới về, chứ không còn kéo đến đông hơn nữa. Bây giờ người ta chết 3 ngày không giải quyết thì chả phải đi biểu tình à?”
Báo chí trong nước loan tin về cái chết của anh Khương nhưng không đề cập đến việc có biểu tình cũng như việc công an đã dùng hơi cay giải tán đám đông dân chúng phẫn nộ. Theo tường thuật của truyền thông Việt Nam, nạn nhân được phát hiện trong tình trạng sức khỏe bất thường trong lúc ngồi tại đồn cảnh sát giao thông sau khi bị giải về đồn. Tờ Vietnam News nói rằng anh Khương được đưa đi bệnh viện, nhưng khi đến nơi, anh đã qua đời.
AFP trích thuật phát biểu của một nhà ngoại giao nước ngoài không muốn nêu tên nói rằng nguyên do chính khiến dân chúng bất bình trước những vụ việc như thế này là vì họ xem hầu hết cảnh sát giao thông là lực lượng tham nhũnghoàn toàn. Nhà ngoại giao này cho biết thân nhân đã đưa quan tài nạn nhân đến Ủy ban để đòi công lý.
Theo báo chí Việt Nam, kết quả giám định tử thi chưa được công bố. AP nói rằng kết quả khám nghiệm ban đầu cho thấy anh Khương chết trước khi nhập viện và có một số vết bầm tím trên cổ.
Nguồn: AP, AFP