Các vị bộ trưởng tài chính ASEAN đang nhóm họp tại Việt Nam trong tuần này để hâm nóng các cuộc thảo luận về việc thành lập một đơn vị giám sát tài chính và kinh tế vĩ mô độc lập của khu vực với sự tham dự của Nhật Bản, Trung Quốc và Nam Triều Tiên, một đơn vị được coi là có tiềm năng trở thành phiên bản châu Á của Quĩ Tiền Tệ Quốc tế.
Hãng thông tấn Kyodo trích một bản thảo thông cáo báo chí, sẽ được công bố vào ngày thứ Năm tới, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi cam kết đối với việc thành lập đầy đủ và kịp thời một đơn vị giám sát độc lập của khu vực nhằm hỗ trợ quá trình thực hiện thành công thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai.”
Thông cáo báo chí này cũng cho hay đơn vị giám sát có tên gọi Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô sẽ được thành lập vào năm tới với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Triều Tiên.
Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai – gọi tắt là CMIM - chính thức có hiệu lực vào ngày 24/3 với tổng trị giá 120 tỷ đôla, trong đó 80% do Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản cam kết đóng góp, tương đương với 96 tỷ đôla.
Việt Nam cam kết tham gia 1 tỷ đôla, tức 0,83% và đứng thứ 10 về mức đóng góp.
Thỏa thuận CMIM có mục tiêu chính nhằm giải quyết những khó khăn về cán cân thanh toán, thanh khoản ngắn hạn trong khu vực và bổ sung cho các thỏa thuận tài chính quốc tế hiện có. CMIM sẽ cung cấp các hỗ trợ về mặt tài chính thông qua các giao dịch hoán đổi tiền tệ giữa 13 thành viên tham gia.
Tuy nhiên, hiện tại ASEAN chưa thể quyết định về địa điểm để đặt văn phòng giám sát này do có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Các giới chức tài chính cấp cao cũng không mấy lạc quan rằng các vị bộ trưởng sẽ có thể giải quyết được vấn đề này tại hội nghị đang diễn ra ở thành phố Nha Trang của Việt Nam. Tuy vậy, nếu họ đạt được thỏa thuận thì kế hoạch thành lập đơn vị giám sát sẽ được loan báo tại hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB – sẽ được tổ chức vào tháng tới ở Tashkent, Uzbekistan.
Nguồn: Kyodo, Xinhua
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1