Đường dẫn truy cập

VietJet nói về cáo buộc ‘không trả tiền thuê, cản trở việc thu hồi máy bay’


Máy bay của VietJet ở Bournemouth (ảnh tư liệu)
Máy bay của VietJet ở Bournemouth (ảnh tư liệu)

Hãng hàng không VietJet của nữ tỷ phú Việt Nam Nguyễn Thị Phương Thảo mới đây lên tiếng về tin tức nói rằng hãng có tranh chấp thương mại với công ty FitzWalter Aviation về 4 chiếc máy bay, theo thông tin đăng trên trang AirlineRatings hôm 19/2.

Ít ngày trước, hôm 16/2, hãng thông tấn Reuters đưa tin nói rằng một thẩm phán ở Vương quốc Anh đã ra phán quyết yêu cầu hãng VietJet không được can thiệp vào việc xuất khẩu các máy bay bị một công ty siết nợ.

FitzWalter Aviation, viết tắt là FW Aviation hoặc FWA, được quyền sở hữu 4 máy bay Airbus A321, với sự đồng ý của VietJet, sau khi FWA tuyên bố rằng hãng hàng không này mất khả năng thanh toán tiền thuê máy bay kể từ năm 2021, bản tin của Reuters viết.

FWA là công ty cho thuê máy bay, thuộc tập đoàn đầu tư FitzWalter Capital có trụ sở tại London, Anh.

Vẫn theo tin của Reuters, trong một phiên tranh tụng trực tuyến hôm 16/2, FWA cáo buộc VietJet tìm cách cản trở quá trình siết nợ, thu hồi máy bay bằng cách can thiệp ngấm ngầm vào việc xuất khẩu 1 trong số 4 chiếc máy bay chở khách ra khỏi Việt Nam. Cả 4 chiếc vẫn đang còn ở trong lãnh thổ Việt Nam.

Vụ tranh chấp này đã và đang được đem ra tranh tụng tại các tòa án ở London, Singapore và Hà Nội. Reuters đưa ra quan sát rằng vụ này cũng được xem như là phép thử về quyền của hãng cho thuê ở Việt Nam, cũng như về các quy định cho thuê quốc tế trên bình diện rộng hơn. Việt Nam đặt hàng lên đến hàng trăm máy bay Airbus và Boeing, theo Reuters.

Hãng thông tấn Anh trích dẫn lời Luật sư Akhil Shah của FWA nói với Tòa Thượng thẩm London rằng: “Chúng tôi có quyền sở hữu và kiểm soát chiếc máy bay này và điều đó bao gồm cả khả năng xuất khẩu nó”.

Ở hướng ngược lại, Luật sư Alexander Milner của VietJet phủ nhận chuyện hãng hàng không này tìm cách thực hiện các bước chủ động để ngăn chặn việc xuất khẩu, đồng thời đưa ra các lập luận chi tiết về khía cạnh pháp lý và thẩm quyền, nêu rõ lý do tại sao VietJet không thể bị đưa ra chịu trách nhiệm trước tòa án Anh về vấn đề giữa FWA và cơ quan hải quan Việt Nam.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ tranh chấp này, một tuyên bố của nhóm luật sư đại diện cho VietJet được đăng trên trang AirlineRatings hôm 19/2 lập luận rằng FWA đã mắc những sai sót sơ đẳng trong việc làm thủ tục xuất khẩu với nhà chức trách Việt Nam và đó không phải lỗi của VietJet.

Một đoạn trong tuyên bố viết: “Hoàn toàn độc lập khỏi các yếu tố khác, là điều trái với các bản tin, Công ước Cape Town có hiệu lực bình thường ở Việt Nam và cho phép FWA hủy đăng ký chiếc máy bay nhanh gọn mà không cần sự tham gia của VietJet, những sai sót này dẫn đến hậu quả là máy bay của FWA bị nằm lại trong một thời gian đáng kể”.

Các luật sư của VietJet cũng “bác bỏ hoàn toàn” những cáo buộc về nợ nần mà FWA đưa ra. Họ viết thêm trong tuyên bố rằng “Tranh chấp với FWA – là những khó khăn mà FWA gặp phải trong việc tuân thủ các luật lệ, thủ tục ở Việt Nam và những nơi khác – không phải là vấn đề lớn và chỉ ảnh hưởng đến một phần cực nhỏ trong đội máy bay của VietJet”.

Hãng này lưu ý rằng đơn hàng về máy bay của họ vẫn diễn ra đúng lịch trình với ngân quỹ cho việc này lên đến hàng tỷ đô la.

Theo Reuters, có tới khoảng một nửa số máy bay của các hãng hàng không trên thế giới là máy bay thuê. Một nội dung quan trọng trong Công ước Cape Town năm 2001 là các hãng cho thuê phải có khả năng đưa máy bay từ nơi này sang nơi khác trong trường hợp hãng thuê bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán. Đây là điều khoản bảo đảm sự sống còn của ngành cho thuê máy bay.

Các hãng hàng không ở các quốc gia thành viên bị coi là vi phạm quy định này có thể phải đối mặt với mức lãi suất cao hơn khi thuê máy bay trong tương lai.

Tại phiên tranh tụng hôm 16/2, theo tin của Reuters, FWA cáo buộc rằng VietJet đã bí mật liên lạc ngấm ngầm với chính quyền Việt Nam và thu thập được những bức ảnh khó lý giải nổi chụp lại các bức thư giữa công ty cho thuê và cơ quan hải quan Việt Nam.

Luật sư của VietJet khi đó đã đáp lại rằng phía nguyên đơn đã quá vội vã diễn dịch “những việc làm vô tội” là “nỗ lực can thiệp”, Reuters tường thuật.

Theo Reuters, Việt Nam mới đây đã nổi lên là nơi các hãng cho thuê máy bay gặp phải những rắc rối về quyền lợi, sau những vụ tranh chấp ở Ấn Độ và Nga.

Nhóm Công tác Hàng không, một tổ chức có trụ sở tại Anh chuyên giám sát luật tài chính thay mặt cho các nhà sản xuất máy bay và các hãng cho thuê, năm ngoái đã đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về việc nước này tuân thủ hiệp ước Cape Town và tái khẳng định động thái này vào tháng 10/2023, tin của Reuters viết. Ấn Độ cũng đang bị theo dõi trong bối cảnh có tranh chấp giữa hãng hàng không Go First và các bên cho thuê.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG