Mặc dù Hà Nội nâng cấp quan hệ với Tokyo không phải nhằm để chống Trung Quốc, Bắc Kinh có lý do để lo ngại vì hai nước Việt Nam và Nhật Bản có cùng chí hướng trên các vấn đề an ninh khu vực, các chuyên gia nói với VOA.
Từ kinh tế đến an ninh
Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida công bố hôm 27/11 nhân chuyến thăm Nhật của người đứng đầu nhà nước Việt Nam.
Trước đó chưa đầy 3 tháng, Hà Nội cũng nâng cấp quan hệ với Washington lên mức độ cao nhất, và với việc nâng cấp lần này Nhật Bản đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện thứ sáu của Hà Nội, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ. Úc, Singapore và Indonesia dự kiến sẽ nối gót theo sau.
Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ của hai nhà lãnh đạo bao trùm một loạt các lĩnh vực – từ liên kết kinh tế chặt chẽ hơn, trong đó có đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Nhật Bản cũng như hợp tác chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, sản xuất chất bán dẫn cho đến trật tự quốc tế dựa trên luật lệ để xây dựng một khu vực tự do và cởi mở, bao gồm tự do hàng hải, tự do hàng không và thương mại không bị cản trở ở Biển Đông.
Thủ tướng Kishida được tờ Japan Times dẫn lời ca ngợi Việt Nam là ‘một đối tác quan trọng để xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ và hứa hẹn sẽ cấp cho Việt Nam hình thức viện trợ quân sự mới được gọi là hỗ trợ an ninh chính thức (OSA). Nhật cũng hứa cấp OSA cho Malaysia và Philippines trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á của ông Kishida hồi đầu tháng 11. Tuy nhiên hiện tại chưa rõ OSA cụ thể sẽ gồm những nội dung gì.
Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản hôm 29/11, ông Thưởng đã nhắc lại những kỷ niệm của ông lúc đến thăm Nhật khi còn là thủ lĩnh thanh niên Việt Nam. Ông ca ngợi quan hệ Việt-Nhật là ‘mối lương duyên trời định’, theo tường thuật của tờ Tuổi Trẻ. Phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội là một vinh dự hiếm hoi mà Nhật dành cho các nguyên thủ nước ngoài mà họ coi trọng.
Chủ tịch nước Việt Nam nói với các nghị sỹ Nhật rằng đa dạng hóa quan hệ với các cường quốc, bao gồm cả Nhật Bản, có 'tầm quan trọng chiến lược' đối với Hà Nội, nhưng ông vẫn nhấn mạnh ‘nguyên tắc 4 Không’ mà theo đó Việt Nam sẽ không đứng về phía bất kỳ quốc gia nào chống lại một nước thứ ba.
Kể từ công cuộc Đổi mới, Hà Nội đã triển khai đường lối đối ngoại ‘độc lập’, ‘tự chủ’, ‘đa dạng hóa’, đa phương hóa’ – tức là có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước lớn nhưng không để bị cuốn vào quỹ đạo của bất cứ nước nào.
Ông Thưởng cũng nhắc lại sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Tokyo đang vận động để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối quyết liệt việc trao cho Nhật tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an vì họ muốn duy trì vị thế là nước châu Á duy nhất có chân trong cơ chế quyền lực toàn cầu này.
Quan hệ tốt đẹp
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba và là điểm đến hàng đầu của lao động xuất khẩu Việt Nam, trong đó chủ yếu là thực tập sinh. Năm ngoái, thương mại song phương đạt gần 50 tỷ đô la Mỹ.
Hiện tại theo thống kê có đến 520.000 người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, làm thành cộng đồng người nước ngoài đông đảo thứ hai tại nước này, sau cộng đồng người Hoa. Lao động Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Nhật vốn thiếu lao động kinh niên do dân số lão hóa.
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, đã có 12 lần các vị thủ tướng Nhật đến thăm Việt Nam, trong đó cá biệt cố Thủ tướng Shinzo Abe hai lần lên làm thủ tướng đều chọn đến Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên.
Nhật Bản cũng là nước G7 đầu tiên mời một tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thăm – đó là chuyến thăm của ông Đỗ Mười hồi năm 1995. Kể từ sau đó, các vị lãnh đạo trong nhóm tứ trụ của Việt Nam, bao gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch Quốc hội, đều đã viếng thăm Tokyo.
Và Nhật cũng là nước đầu tiên mời Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 – tức nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới – khi hội nghị G7 diễn ra ở Nhật. Tại thượng đỉnh G7 mới nhất diễn ra ở Hiroshima hồi tháng 5 vừa rồi, phía Nhật cũng đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam tham dự.
Nhật trong nhiều năm liền duy trì vị thế là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam. Nguồn vốn ODA của Nhật hiện diện trong nhiều công trình cơ sở hạ tầng quan trọng làm thay da đổi thịt Việt Nam, trong đó có cầu Cần Thơ hay tuyến đường sắt đô thị số 1 ở thành phố Hồ Chí Minh.
‘Hành động tự nhiên’
Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là việc trước sau gì cũng sẽ tới vì hai nước đã có quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực kể từ năm 2014, ông Nguyễn Quốc Cường, cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nói với VOA từ Hà Nội. Đây là một hình thức quan hệ cao và toàn diện.
Do Hà Nội hiện đang có mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc khu vực khác như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc nên một đối tác quan trọng như Nhật Bản không nên đứng ngoài, ông Cường nói thêm.
Trọng tâm của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện này là kinh tế, chứ không phải an ninh, ông Cường nhấn mạnh, và không nên đặt mối quan hệ Việt-Nhật trên cơ sở an ninh.
Hà Nội đi từ chỗ nhận viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản cho đến trở thành một đối tác có thể đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, vị cựu đại sứ này lưu ý.
“Việt Nam có vị trí tốt để trở thành cứ điểm trong chuỗi cung ứng của Nhật Bản,” ông cho biết. “Do đó Nhật có lợi ích trong việc ủng hộ một nước Việt Nam mạnh, thịnh vượng.”
Lo ngại an ninh
Tuy nhiên, do sự hung hăng của Bắc Kinh đã làm nhiều quốc gia trong khu vực bất an, trong đó có Tokyo và Hà Nội, việc nâng cấp quan hệ này cũng có nội dung quan trọng về an ninh, Giáo sư Alexander Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye có trụ sở tại Hawaii, nói với VOA.
Cả Việt Nam và Nhật Bản đều đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc lần lượt ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Giáo sư Vuving giải thích vì Nhật Bản và Việt Nam nằm trong số ít các nước kiên quyết chống lại sự thống trị của Trung Quốc trong khu vực, nên Bắc Kinh ‘lo lắng về việc Nhật Bản và Việt Nam xích lại gần nhau hơn nữa’.
“Việc nâng cấp quan hệ đã khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với tầm nhìn của Nhật Bản về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do cũng như nỗ lực của Nhật Bản để trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc,” ông Vuving nói. “Không có điều nào trong những cái này là tin tốt cho Trung Quốc.”
Ông Raymond Powell, chuyên gia về tranh chấp Biển Đông tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford, nói với VOA rằng Bắc Kinh ‘chắc chắn sẽ lo ngại’ về việc đối tác hàng đầu của Việt Nam có cả Mỹ và một số đồng minh của Mỹ.
“Một Việt Nam gắn kết nhiều hơn với các cường quốc sẽ khó bị cô lập và cưỡng ép hơn, mà đó là chiến thuật của Trung Quốc lâu nay hòng kiểm soát các nước láng giềng,” vị chuyên gia này nhận định.
Cả Washington và Tokyo đều ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực hồi năm 2016 bác bỏ yêu sách ‘đường chín đoạn’ của Bắc Kinh đối với hầu hết Biển Đông.
Giáo sư Vuving hy vọng mối quan hệ được nâng cấp sẽ mở đường cho Nhật Bản cung cấp viện trợ an ninh mạnh mẽ hơn cho Việt Nam, chẳng hạn như cung cấp radar, tàu tuần tra và thiết bị bay không người lái (tức UAV) để tăng cường khả năng của Việt Nam trên biển.
“Sự ủng hộ của Nhật đối với Việt Nam có thể đi rất xa đến giới hạn mà luật pháp Nhật cho phép, nhưng giới hạn trên thực tế sẽ là do Việt Nam đặt ra, do nước này lo ngại về hậu quả trong quan hệ với Trung Quốc,” ông nói thêm.
Ông Powell coi Nhật Bản là đối tác kinh tế và an ninh mạnh mẽ của Hà Nội vốn sẵn sàng giúp nước này cải thiện an ninh trên biển để ‘ngăn chặn các lực lượng của Trung Quốc vốn ngày càng hung hăng trên Biển Đông’.
‘Không chống Trung Quốc’
Tuy nhiên, ông Powell lưu ý rằng với nguyên tắc ‘4 Không’, ‘khó có khả năng’ Hà Nội bị kéo vào bất kỳ quỹ đạo chống Trung Quốc công khai nào do Washington và Tokyo dẫn đầu.
“Cả Mỹ và Nhật đều bị hạn chế trong những gì họ có thể giúp cho Việt Nam một khi xảy ra tranh chấp với Bắc Kinh,” ông nói thêm. “Điều tốt nhất chúng ta có thể mong chờ là những tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế và kêu gọi kiềm chế.”
Giáo sư Alexander Vuving lưu ý rằng hai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Hà Nội với Washington và Tokyo không nên được xem như là nỗ lực có phối hợp của phương Tây để kéo Hà Nội ra khỏi Bắc Kinh, mà là sự suy tính, cân nhắc của bản thân Hà Nội khi họ thấy rằng ‘việc nghiêng về Trung Quốc và Nga không còn phục vụ tốt cho lợi ích quốc gia của họ nữa’.
Ông dự đoán rằng cuối cùng Hà Nội cũng sẽ xích lại gần hơn với Nhật và Mỹ vì hai nước này ủng hộ Việt Nam nhiều nhất ở Biển Đông. “Hà Nội đang ngày càng nhận ra rằng họ sẽ có tương lai tốt đẹp hơn trong hệ thống kinh tế do Mỹ và Nhật Bản dẫn đầu chứ không phải trong hệ thống kinh tế do Trung Quốc dẫn đầu,” ông Vuving nói.
Đại sứ về hưu Nguyễn Quốc Cường nhấn mạnh hai chữ ‘hòa bình’ trong tên gọi quan hệ đối tác chiến lược toàn diệnViệt Nam-Nhật Bản. “Mối quan hệ đó chắc chắn không nhắm vào nước thứ ba,” ông khẳng định.
“Hà Nội hiện có mối hệ rất tốt với Bắc Kinh, và sẽ không hy sinh mối quan hệ này để xích lại gần hơn với Nhật hay Mỹ,” ông Cường nói thêm.
Ông Cường cho rằng việc có quan hệ ở cấp độ cao nhất với tất cả các cường quốc chủ chốt trong khu vực giúp Việt Nam có nhiều dư địa hơn trong việc xử lý mối quan hệ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong khi vẫn giữ được vị thế độc lập, tự chủ của mình.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1
Diễn đàn