Đường dẫn truy cập

Việt Nam và Ấn Độ bắt tay 'đương đầu' với Trung Quốc?


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm năm 2013.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp Thủ tướng Ấn Độ trong chuyến thăm năm 2013.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công du tới Việt Nam cuối tuần này, và theo các nhà quan sát, biển Đông và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nằm cao trong nghị trình.

Giới phân tích nhận định rằng trong chuyến thăm, người đứng đầu chính quyền New Delhi sẽ thảo luận với lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà về một loạt các vấn đề quan trọng như thương mại, quốc phòng và an ninh.

Ngoài ra, theo các nhà quan sát, đôi bên cũng có thể bàn thảo về khả năng Ấn Độ tăng cường thăm dò dầu khí ở Việt Nam, nơi công ty ONGC Videsh Limited, có tham gia vào các dự án dầu khí trong nhiều thập kỷ qua.

Sau Việt Nam, ông Modi sẽ lên đường đi Hàng Châu, Trung Quốc, để dự hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra từ ngày 4 tới 5/9.

Giáo sư Doe Muni từ Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng ở New Delhi nói rằng Hà Nội và Ấn Độ “duy trì quan hệ gần gũi kể từ giữa những năm 50”, và biển Đông sẽ là một trong các vấn đề “nổi bật” trong chuyến công du của Thủ tướng Modi.

Ông nói thêm: “Chuyến thăm của ông Narendra Modi cho thấy Ấn Độ thực sự muốn chứng tỏ quan hệ bạn hữu, đồng chí và đoàn kết với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn từ Trung Quốc”.

Ông Muni nói thêm rằng bất kỳ nước nào chịu áp lực cũng phải “tìm kiếm và vận động hậu thuẫn từ nhiều nguồn nhất có thể”.

Giáo sư từng là đại sứ và đặc phái viên ở nhiều nước Đông Nam Á cho rằng “nhu cầu tăng cường quốc phòng của Việt Nam hiện tăng lên”, và Ấn Độ “có thể không thể giúp đáp ứng mọi nhu cầu về khía cạnh đó”.

Tuy nhiên, ông nghĩ rằng Ấn Độ “sẽ không do dự, và sẽ làm hết sức trong khả năng của mình để giúp Việt Nam củng cố an ninh”.

Tên lửa hành trình BrahMos của liên doanh Ấn - Nga.
Tên lửa hành trình BrahMos của liên doanh Ấn - Nga.

Tiến sĩ Ngô Xuân Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho VOA Việt Ngữ biết rằng hiện có hai luồng ý kiến về chuyến thăm của ông Modi.

Ông nói thêm: “Cũng có người nói rằng trước khi tham dự hội nghị G-20 là một thông điệp cho thấy Ấn Độ rất coi trọng quan hệ với Việt Nam, và một chỉ dấu nói với người Trung Quốc rằng Việt Nam là một trụ cột trong chính sách phương Đông của Ấn Độ. Điều đó có nghĩa là Ấn Độ tiếp tục quan tâm tới Việt Nam, biển Đông, và những vấn đề liên quan. Nhưng cũng có người cho rằng thuận đường thì ông ấy đi thôi. Trung Quốc là một đối tác lớn của Ấn Độ trên các phương diện, và cũng là một nhà cạnh tranh với Ấn Độ. Cho nên câu chuyện ông ấy ghé thăm Việt Nam có tác động gì không, có thông điệp gì không với phía Trung Quốc tôi nghĩ là ít ý nghĩa”.

Ông Bình cho biết thêm rằng quốc phòng là một trong những khía cạnh quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, và rằng đôi bên lâu nay đã “quyết tâm thúc đẩy hợp tác quốc phòng”.

Các nhà quan sát dự báo, trong thời gian ông Modi ở Việt Nam, đôi bên có thể ký thỏa thuận mua bán tên lửa BrahMos, vốn từng khiến quân đội Trung Quốc bày tỏ lo ngại.

Giáo sư Muni cho biết rằng Hà Nội và New Delhi đã bàn thảo về tên lửa hành trình này hai tới ba năm qua, nhưng vẫn chưa đi tới đâu. Hiện chưa rõ là đôi bên có đi tới đồng thuận gì về BrahMos hay không.

Cuối tháng trước, Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ lo ngại sau khi có tin cho biết Ấn Độ tính triển khai loại tên lửa mà nước này sản xuất cùng Nga lên trên khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc.

Trong một diễn biến khác có liên quan, trang tin India Today hôm 1/9 dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay nói rằng chính quyền Manila “biết ơn” vì sự hậu thuẫn của Ấn Độ trong vấn đề biển Đông,nhất là vụ kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Quan chức ngoại giao này đồng thời nói thêm rằng Tân Tổng thống Philippines Duterte sẽ lần đầu tiên gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Lào ngày 6/9.

VOA Express

XS
SM
MD
LG