Việt Nam một lần nữa ‘lên tiếng’ phản đối các ‘hành động’ liên tiếp của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa.
Trang web Bộ Ngoại giao dẫn lời người phát ngôn Lê Hải Bình tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 17/3 tuyên bố ‘Việc Trung Quốc tiếp tục bồi đắp, mở rộng, xây dựng, làm thay đổi nguyên trạng quần đảo Hoàng Sa và tổ chức du lịch ra quần đảo này, bất chấp sự quan ngại của phía Việt Nam và cộng đồng quốc tế là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa’.
Phản hồi được đưa ra sau hàng loạt các hoạt động liên tiếp của Trung Quốc tại Hoàng Sa trong thời gian gần đây bao gồm đưa 300 du khách ra đảo Ốc Hoa, xây dựng cảng hàng không với đường băng dài 3.500m trên Đảo Cây, và tiếp tục lấn biển tại khu cụm đảo An Vĩnh.
Ông Bình nói những hành động này đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, vi phạm thỏa thuận Việt-Trung về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, và gây ảnh hưởng xấu cho quan hệ song phương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tố cáo Trung Quốc làm leo thang căng thẳng Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về Ứng xử ở Biển Đông mà Bắc Kinh đã ký với ASEAN hồi năm 2012.
Vẫn theo lời ông Bình, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động này để phát huy bang giao và duy trì hòa bình, ổn định Biển Đông.
‘Việt Nam một lần nữa khẳng định có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa’, phát ngôn nhân Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Ngoài những lời tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam, ông Bình cũng lên án những hành vi vô nhân đạo của Trung Quốc đối với ngư dân Việt.
Ông Bình nói ‘sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam trong bất kỳ trường hợp nào là không thể chấp nhận được và chúng tôi kiên quyết phản đối’.
Thời gian gần đây, ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa liên tục bị tấn công, cướp bóc tài sản bởi những chiếc tàu mà họ tin là của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị Bắc Kinh ‘xử lý nghiêm’ các hành vi phi pháp ‘của các lực lượng chức năng Trung Quốc, bồi thường thiệt hại cho ngư dân Việt Nam, và không để tái diễn các hành vi tương tự’.
Những tuyên bố của Việt Nam trước nay chưa từng được Trung Quốc đáp ứng, ngược lại, còn đáp trả bằng những hành động lấn lướt thêm nữa, khiến nhiều người phẫn nộ về cách phản ứng mà họ cho là ‘nhu nhược’ và ‘bất lực’ của Hà Nội trước ‘giặc ngoại xâm phương Bắc’.
Trước các động thái ‘bất chấp luật lệ’ của Bắc Kinh trong tranh chấp Biển Đông, Hà Nội kiên quyết theo đuổi giải pháp ôn hòa và còn lưỡng lự với biện pháp pháp lý.
Philippines, quốc gia láng giềng nhỏ bé cũng có tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông, từ năm 2013 đã làm đơn nhờ Tòa trọng tài thường trực của Liên Hiệp Quốc phân xử việc Trung Quốc đơn phương vẽ đường lưỡi bò chiếm trọn Biển Đông, vụ kiện mà cuối năm 2014 Việt Nam đã tuyên bố ủng hộ.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, VNA, Vietnamnet.