Trong tuần này, các giới chức Việt Nam nói rằng họ sẽ sẵn sàng nâng mức trần của việc sở hữu các ngân hàng nước ngoài khi việc tái cấu trúc khu vực ngân hàng ổn định lại.
Các giới chức này không cam kết một thời biểu cho việc ấn định mức trần mới cho việc sở hữu ngân hàng. Nhưng một cố vấn, rút ra từ kinh nghiệm của Nam Triều Tiên và Nhật Bản, nói rằng Việt Nam phải mất từ năm tới 10 năm để dọn sạch các ngân hàng này, vốn có tỷ lệ các món nợ xấu cao nhất tại Đông Nam Á.
Ông Hoàng Xuân Hòa, giám đốc kinh tế của ủy ban kinh tế trung ương, phụ trách công tác cố vấn cho chính phủ, nói: “Chúng ta phải làm cho hệ thống của chúng ta lành mạnh trở lại trước khi chúng ta cảm thấy thoải mái để mở cửa."
Tại một cuộc hội thảo trong tuần này do Bộ Kế hoạch và Ðầu tư tổ chức cùng với Phòng Thương mại Âu châu ở Việt Nam, ông Hoà nói: “Chúng ta không cần phải chờ cho đến khi mọi sự thông suốt trước khi mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng đó là một tiến trình.”
Giới hạn chung cho phần đóng góp của nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam là 30 phần trăm. Trong phần này, các cá nhân nước ngoài được phép không quá 5 phần trăm, các tổ chức 15 phần trăm và các nhà đầu tư sách lược là 20 phần trăm. Cho đến tháng Hai, các tổ chức có thể chiếm chỉ 10 phần trăm và các nhà đầu tư sách lược là 15 phần trăm.
Tuy sẵn sàng đón nhận việc cuối cùng nâng mức trần, ông Nguyễn Mạnh Hùng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cảnh báo chống lại nguy cơ các nhà đầu tư thiếu tin cậy, có thể rút ra ngay khi dấu hiệu khó khăn đầu tiên ở Việt Nam, hay những thay đổi tại thị trường nước họ.
Ông Hùng, người đứng đầu Viện Sách lược Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói: “Họ có thể vào để kiếm lợi nhanh, và rồi rút vốn ra ngay khi nhìn thấy có vấn đề. Chúng ta cần phải đi tìm những cam kết dài hạn từ phía các nhà đầu tư. Chúng ta không muốn trả cái giá cho việc chạy vốn đầu tư.”
Mặc dù nói ít nhưng ông Hùng thừa nhận “có sự cần thiết lớn về vốn để tái cấu trúc khu vực ngân hàng.”
Việt Nam đang trong quá trình cải tổ ngân hàng quan trọng, được coi là cần thiết để kéo đất nước ra khỏi tình trạng trì trệ kinh tế kéo dài nhiều năm. Các giới chức đã nói với các ngân hàng nên sáp nhập, bỏ bớt những công cuộc kinh doanh lẻ, giải quyết các vấn đề sở hữu chồng chéo, và cắt bớt những khoản nợ xấu. Ðể mua một số các khoản nợ độc hại này, Việt Nam đã thành lập một công ty quản lý tích sản hồi tháng 7.
Ngân hàng quốc tế ANZ tuần này cho biết, “Các khoản nợ không trả được tiếp tục gây khó khăn cho các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, với nhiều con số ước tính từ con số chính thức là 3,79 phần trăm cho đến con số ước tính của Moody’s lên tới 15 phần trăm.”
Người nước ngoài cho rằng họ có thể giúp làm nhẹ bớt khối nợ xấu tại các cơ quan cho vay của Việt Nam, nhưng cổ phần của họ không đủ cao để biện minh cho việc bơm thêm nguồn lực vào các ngân hàng đang gặp khó khăn.
Giám đốc EuroCham Paul Jewell nói: “30 phần trăm không cung cấp đủ khích lệ hay quyền kiểm soát để chúng tôi đi vào giải quyết các vấn đề này.”
Ông Hùng than phiền rằng các nhà đầu tư nước ngoài nói họ muốn mua thêm cổ phần trong các ngân hàng Việt Nam, tuy nhiên họ lại không tận dụng các khoản có sẵn. Nhưng các nhà ngân hàng đáp lại rằng họ chưa muốn vào bởi vì mức trần quá thấp. Họ nói chính phủ phải để cho những người nước ngoài sở hữu 49 phần trăm, trong một ngân hàng thì họ mới thấy công cuộc đầu tư là xứng đáng.
Vào cuối cuộc hội thảo, chủ tịch Viện Sách lược Phát triển của bộ kế hoạch nói ông nhận thấy các lập luận của giới ngân hàng là “đáng thuyết phục.” Ông Bùi Tất Thắng hứa sẽ trình các đề nghị lên chính phủ và nói rằng, “Tôi nghĩ quan hệ giữa mức trần sở hữu nước ngoài và sự tham gia vào các ngân hàng là rất quan trọng."
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1