Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng và đang hưởng lợi từ sự chuyển dịch trong nền kinh tế chuyển từ sản xuất sang tiêu dùng của quốc gia láng giềng.
So với mức tăng trưởng 6.2% trong năm 2016, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng cao hơn vào năm nay, 6.5%, và cao hơn nữa vào năm sau, 6.7% – bằng với mức tăng trưởng của năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).
“Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi ở Trung Quốc nơi có nhiều công ty đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nhưng họ đang bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam do giá lao động rẻ hơn. Việt Nam cũng đang tận dụng được điều này bằng việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư hơn nữa.”Joseph Ernest Zveglich Jr., kinh tế gia của ADB
Giải thích về sự thụt lùi trong tăng trưởng vào năm ngoái, giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của ADB, Joseph Ernest Zveglich Jr., cho VOA Việt Ngữ biết thời tiết khắc nghiệt trong năm 2016 là một nhân tố chính. “Có một sự chậm lại trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế ở (Việt Nam). Nhưng chúng tôi dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở lại mức phát triển trước đó trong 2 năm nữa.”
Cũng theo báo cáo của ADB, Trung Quốc tiếp tục giảm tốc về tăng trưởng, từ 6.9% trong năm 2015 xuống 6.5% trong năm 2016, và cắt giảm công suất trong các ngành công nghiệp.
Theo chuyên gia Ernest Zveglich của ADB, chiều hướng này có lợi cho Việt Nam. “Việt Nam đang hưởng lợi từ những thay đổi ở Trung Quốc nơi có nhiều công ty đầu tư trong ngành sản xuất công nghiệp nhưng họ đang bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam do giá lao động rẻ hơn. Việt Nam cũng đang tận dụng được điều này bằng việc đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng để thu hút đầu tư hơn nữa.”
Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế là mức lạm phát tăng cao. Kinh tế gia trưởng Yasuyuki Sawada của ADB nói như vậy tại một buổi họp công bố báo cáo dự báo tăng trưởng khu vực châu Á hàng năm hôm 21/4 tại Washington.
Báo cáo của ADB cho thấy mức lạm phát của Việt Nam tăng từ 0.6% lên 2.7% sau 1 năm. Kinh tế gia trưởng của ngân hàng lớn nhất khu vực giải thích: “Giá dầu thế giới tăng lên là nhân tố đóng góp vào xu hướng lạm phát tăng. Thêm vào đó sự hạn hán nông nghiệp về cơ bản làm tăng giá thực phẩm và đó là những yếu tố đằng sau sự tăng cao về lạm phát.”
Kinh tế gia Sawada nhận định mức lạm phát của Việt Nam không “đến nỗi tệ lắm.” Các chuyên gia kinh tế trong nước cũng cho rằng mức lạm phát 4.74% trong năm 2017 của Việt Nam nằm trong mức an toàn và thấp hơn so với mức 5% dự đoán hàng năm.
"...Việt Nam có một cơ hội rất tốt để tiến tới lọt vào nhóm thu nhập cao. Do vậy Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như giám sát chặt chẽ việc quản lý tham nhũng. Theo tôi Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục tiến lên để ra khỏi mức thu nhập trung bình."Yasuyuki Sawada, kinh tế gia trưởng của ADB
Vẫn theo báo cáo của ADB, Việt Nam có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kỷ lục và đây có thể là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của Việt Nam trong những năm tiếp theo. “Có nhiều yếu tố tác động đến sự tăng trưởng liên tiếp của Việt Nam mà 1 trong những yếu tố rõ ràng nhất là FDI. Không giống như dòng chảy tiền tệ không trực tiếp, FDI là một sự cam kết lâu dài, các nguồn lực chảy vào trong sự đầu tư dài hạn. Do đó chúng ta thấy được rằng FDI là yếu tố lèo lái sự phát triển kinh tế của Việt Nam.”
Theo dữ liệu về chỉ số kinh tế của Trading Economics, FDI vào Việt Nam tăng hơn 4.000 tỷ đô la trong quý 4 năm ngoái. Trong 15 năm qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam luôn ở mức trung bình gần 37.000 tỷ USD với mức cao nhất là gần 25.800 tỷ USD vào quý 2 của năm 2008.
FDI là một trong những yếu tố giúp Việt Nam trở thành nền kinh kế có mức thu nhập trung bình nhưng vẫn đang ở trong nhóm thấp. Mặc dù nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã cảnh báo Việt Nam có thể bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” , nhưng kinh tế gia Sawada lại có cái nhìn tích cực. Ông cho rằng Việt Nam đang làm rất tốt việc đầu tư nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
“Tôi nghĩ với sự đầu tư cơ sở hạ tầng có tiềm lớn năng như vậy và sự đầu tư vào nguồn nhân lực, Việt Nam có một cơ hội rất tốt để tiến tới lọt vào nhóm thu nhập cao. Do vậy Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như giám sát chặt chẽ việc quản lý tham nhũng. Theo tôi Việt Nam đang ở vị thế tốt để tiếp tục tiến lên để ra khỏi mức thu nhập trung bình,” theo ông Sawada.
Chuyên gia kinh tế Ernest Zveglich cũng cho rằng Việt Nam mới chỉ bắt đầu bước vào mức thu nhập trung bình nên không phải lo lắng nhiều về “rơi vào bẫy” mà là phải có được sự khác biệt trong mô hình phát triển kinh tế.
Theo gợi ý của ADB trong báo cáo mới nhất, các nước có thu nhập trung bình như Việt Nam cần tập trung vào cải tiến công nghệ, giáo dục đào tạo để có thế hệ người lao động có kỹ năng cao.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam trở thành nước có mức thu nhập trung bình vào năm 2011 sau 25 năm đứng trong nhóm các nước nghèo nhất thế giới. Hiện mức thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là gần 1.300 USD/năm.
Ngân hàng ADB dự đoán các nước đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam, tiếp tục là lực đẩy cho sự phát triển kinh tế toàn cầu trong năm nay. Theo ADB, sự tăng trưởng liên tục giúp các nước đang phát triển ở châu Á chiếm 60% mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu. GDP của toàn khu vực được dự đoán sẽ tăng trưởng 5.7% trong năm nay và năm sau.
Vẫn theo dự báo của ADB, khu vực Đông Nam Á cũng sẽ tăng trưởng hơn nữa, ở mức 4.8%, tức tăng 0.1% so với năm 2016 và sẽ tăng lên mức 5% vào năm 2018.