Các cơ quan thi hành án dân sự thu hồi gần 7.600 tỷ đồng trong hơn 4 tháng qua từ các vụ án tham nhũng ở Việt Nam, Báo Điện tử Chính phủ cho hay trong bài tường thuật về cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra hôm 26/5.
Theo trang tin chính thức của chính phủ, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã chủ trì cuộc họp, trong đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đặt mục tiêu là trong năm 2020 các cơ quan liên quan “tập trung điều tra, xử lý nghiêm” những người dính líu đến 5 đại án, mà đứng đầu là vụ “buôn lậu, rửa tiền” của công ty Nhật Cường có liên quan đến một sở của Hà Nội.
Điểm lại tình hình từ giữa tháng 1 đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết tổng cộng 51 bị cáo đã được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, vẫn theo tường thuật của Báo Điện tử Chính phủ.
Trong số các vụ đã được xét xử, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu bật 5 vụ “nghiêm trọng” mà dư luận xã hội “đặc biệt quan tâm”, gồm xét xử sơ thẩm vụ một công ty của Quân chủng Hải Quân làm thất thoát đất quốc phòng ở Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh; xét xử sơ thẩm vụ “nhận hối lộ” xảy ra tại một chi nhánh của công ty Lũng Lô thuộc Bộ Quốc phòng; xét xử phúc thẩm vụ Mobifone thuộc Bộ Thông tin-Truyền thông mua AVG gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước; xét xử phúc thẩm vụ thiệt hại nghiêm trọng tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; và xét xử phúc thẩm vụ thất thoát, lãng phí đất công ở Đà Nẵng.
Ngoài số tiền gần 7.600 tỷ đồng mà các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi, Thường trực Ban Chỉ đạo nói trong bản tin của Báo Điện tử Chính phủ rằng cơ quan điều tra cũng “tạm giữ, kê biên, phong tỏa” các tài sản có trị giá hơn 773 tỷ đồng, 2,23 triệu đô la Mỹ, 34 bất động sản, 5 ô tô và nhiều tài sản khác.
Trong những tháng còn lại của năm 2020, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng “phấn đấu” xét xử sơ thẩm 21 vụ án và xét xử phúc thẩm 7 vụ án.
Đứng đầu trong số các vụ dự kiến đưa ra xét xử là vụ “buôn lậu, rửa tiền, vi phạm quy định về kế toán và đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại công ty Nhật Cường, dính líu tới cả một số quan chức của Hà Nội.
VOA được biết liên quan đến vụ này, nhà chức trách đã khởi tố 12 bị can, trong đó có ông Nguyễn Văn Tứ, Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội; và bà Phạm Thị Thu Hường, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch- Đầu tư.
Bốn đại án còn lại được Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhắm đến trong năm nay là vụ thiệt hại “nghiêm trọng” liên quan đến Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri); vụ vi phạm đất đai xảy ra tại Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); và vụ thiệt hại, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng xảy ra tại một dự án cải tạo, mở rộng Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra hôm 26/5, do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, đưa ra nhận định rằng những kết quả đạt được trong thời gian qua “tiếp tục khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng” của đảng và nhà nước, được nhân dân “đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”, theo tin của Báo Điện tử Chính phủ.