Đường dẫn truy cập

Việt Nam tăng cường phòng bị ứng phó với dịch MERS


Du khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm MERS.
Du khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm MERS.

Sau tin cho hay công dân Hàn Quốc tử vong tại Thanh Hóa hôm 10/6 âm tính với virus Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS), Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Trần Đắc Phu khuyến cáo dù tới nay Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh MERS nào, nhưng nguy cơ này là hoàn toàn có thể xảy ra vì lượng khách vào Việt Nam từ các vùng dịch là rất lớn. VOA Việt ngữ trao đổi với Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đắc Phu về các bước Việt Nam chuẩn bị đối phó với dịch bệnh MERS trong cuộc phỏng vấn tối 12/6.

PGS-TS Trần Đắc Phu: Hiện nay triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn không cho dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Thứ hai, giải quyết tất cả các khâu đề phòng để giả sử có trường hợp thì phát hiện được ca đầu tiên và quản lý, cách ly được luôn, không để lây ra cộng đồng; tuyên truyền cho dân hiểu để biết cách phòng bệnh; củng cố hệ thống xét nghiệm. Vừa qua cũng đã xét nghiệm được hơn 10 trường hợp đi từ các vùng dịch về bị sốt đều được xét nghiệm và kết quả đều âm tính cả. Chúng tôi xây dựng 3 kịch bản: khi dịch chưa vào Việt Nam, khi có ca xâm nhập và khi đã vào lây lan ra cộng đồng thì giải quyết thế nào không để lây lan, không để dân hoang mang, không làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, du lịch. Chúng tôi hiện nay tập trung giám sát nhằm phát hiện sớm. Nếu có trường hợp nào thì tiến hành cách ly ngay không để lây ra cộng đồng, tăng cường các hoạt động xét nghiệm, điều trị phân tuyến các nơi và ra khuyến cáo cho cộng đồng, cho khách du lịch.

MERS vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, chỉ cần một trường hợp là có thể thôi. Còn việc bùng phát thì hiện nay chúng tôi đang làm rất quyết liệt hầu phát hiện sớm và cách ly để không lây lan ra cộng đồng, cố gắng không để như Hàn Quốc.
PGS-TS Trần Đắc Phu,
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng.

VOA: Khó khăn nhất là chặn ngay từ đầu vào. Với dịch MERS này, Việt Nam có phương pháp nào hữu hiệu hơn sau khi không mấy thành công trong việc ngăn dịch Ebola xâm nhập cách đây không lâu, thưa ông?

PGS-TS Trần Đắc Phu: Dịch Ebola thì chúng tôi cũng đã làm, hiện nay cũng không phát hiện ra, nhưng với dịch MERS thì tại cửa khẩu hiện giờ chúng tôi áp dụng nhất là máy đo nhiệt độ từ xa. Hai nữa là tờ khai y tế áp dụng cho những người đi từ vùng dịch về. Tờ khai gồm hai phần: phần một là người nhập cảnh kê khai và phần hai là tuyên truyền. Chúng tôi ghi số điện thoại, tuyên truyền nhắc nhở người nhập cảnh khi có dấu hiệu sốt phải đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và tư vấn. Hiện nay chúng tôi chỉ xét nghiệm 4 tiếng là xong. Chúng tôi cũng tạo điều kiện thông thoáng như phát tờ khai trên máy bay để khách không bị ùn tắc ở sân bay.

VOA: Với những nhóm hành khách từ các vùng dịch như Hàn Quốc có được đặc biệt lưu ý để kiểm tra kỹ hơn so với các hành khách khác?

PGS-TS Trần Đắc Phu: Tất cả hành khách từ Trung Đông và Hàn Quốc, chúng tôi đều áp dụng soi nhiệt độ bằng máy đo từ xa. Nếu họ có triệu chứng sốt, chúng tôi áp dụng biện pháp hỏi, cách ly, lấy mẫu. Nếu không, chúng tôi vẫn cứ cho thông quan nhập cảnh và nhắc nhở họ lưu ý. Chúng tôi áp dụng như thế nhưng không quá chặt chẽ có thể làm ảnh hưởng việc đi lại, du lịch của họ.

please wait

No media source currently available

0:00 0:06:49 0:00
Tải xuống

VOA: Việt Nam có khả năng bị bùng phát dịch MERS?

PGS-TS Trần Đắc Phu: Tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể có những ca xâm nhập vì những người đi từ vùng dịch đến Việt Nam làm ăn sinh sống hay du lịch là rất nhiều. MERS vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, chỉ cần một trường hợp là có thể thôi. Còn việc bùng phát thì hiện nay chúng tôi đang làm rất quyết liệt hầu phát hiện sớm và cách ly để không lây lan ra cộng đồng, cố gắng không để như Hàn Quốc. Hàn Quốc lúc đầu đã chủ quan để MERS vào đến 4 bệnh viện lây lan như vậy.


VOA: Giới hữu trách có những khuyến cáo thế nào đối với người dân?

PGS-TS Trần Đắc Phu: Người dân cần hiểu biết, tham gia tích cực và chủ động phòng dịch nhưng không hoang mang. Hạn chế du lịch tới những vùng có dịch. Nếu phải đi, cần tìm hiểu vùng dịch đó thế nào để phòng bệnh. Ví dụ đến Trung Đông thì không nên tiếp xúc với lạc đà hoặc không lui tới vùng bị dịch. Còn trong nước, chúng tôi ra khuyến cáo về áp dụng vệ sinh phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng, vào bệnh viện phải đeo khẩu trang. Hiện nay chúng tôi không khuyến cáo là phải đeo khẩu trang ngoài đường, nhưng vào bệnh viện hay có triệu chứng ho, hắt hơi thì phải đeo khẩu trang không để lây cho người khác. Khi có dấu hiệu sốt, phải đến các cơ sở y tế để được khám, phát hiện bệnh. Đặc biệt là các bệnh viện phải khai thác yếu tố dịch tễ, phải hỏi xem người ta có đi tới vùng dịch hay không.

Truyền thông trong nước cho hay nhóm công nhân ở khu công nghiệp Nghi Sơn có tiếp xúc với người Hàn Quốc đột tử ở Thanh Hóa đã được cách ly, kiểm tra sức khỏe.

Thủ tướng Việt Nam trong tuần hối thúc Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới theo dõi sát diễn biến dịch MERS để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa dịch lây lan vào Việt Nam.

MERS, căn bệnh hô hấp đang lan rộng trên thế giới, được cho là nguy hiểm tương đương với SARS và cúm gia cầm. Hiện chưa có thuốc ngừa hay chữa trị bệnh bệnh MERS.

Hàn Quốc hôm nay (12/6) xác nhận có 11 người chết vì MERS, đồng thời báo cáo thêm 4 ca bệnh mới, nâng tổng số người bị nhiễm MERS lên thành 126 người.

Truyền hình vệ tinh VOA 12/06/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

VOA Express

XS
SM
MD
LG