Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/3 lên án báo cáo nhân quyền 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói rằng phía Mỹ đưa ra nhận định “thiếu khách quan” về tình hình Việt Nam, nhưng Hà Nội nói thêm rằng Việt Nam “sẵn sàng trao đổi thêm”.
Truyền thông nhà nước dẫn lời Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói tại cuộc họp báo ngày 23/3: “Việt Nam lấy làm tiếc vì báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”.
Vẫn như những lần trước, bà Hằng nói rằng việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là “chính sách nhất quán” của Việt Nam, nói rằng “các quyền tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cũng như triển khai trong thực tiễn”.
Bà Hằng nói thêm: “Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn và cởi mở trên tinh thần xây dựng với Mỹ về những vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết, cũng như đóng góp vào phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước”.
Như VOA đã đưa tin, hôm 20/3, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022, trong đó ghi nhận hàng loạt các vi phạm, từ việc cho rằng có ít nhất vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ, nhưng nhà chức trách cho rằng những cái chết này là do “tự tử hoặc do các vấn đề sức khỏe”, đến việc “bắt bớ và giam giữ tùy tiện” những người thực thi các quyền được quốc tế công nhận, chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận, hội họp ôn hòa và lập hội.
Giới hoạt động cho nhân quyền Việt Nam đồng tình với báo cáo của phía Mỹ, cho rằng chính quyền Việt Nam “vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng”.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân ở Hà Nội viết cho VOA hôm 20/3: “Các tiếng nói đối lập vẫn bị bóp nghẹt và không gian xã hội dân sự đang bị co lại rất lớn so với giai đoạn 2010-2018”.
Luật sư Quân ghi nhận một xu hướng đáng quan ngại gần đây: “Nhà nước đã mạnh tay hơn trên tất cả các khía cạnh, từ việc bắt giữ những tiếng nói ôn hòa hơn và tuyên án với mức án cao hơn đến việc giải tán các tổ chức xã hội dân sự độc lập tự phát và bắt giữ các thành viên chủ chốt của các tổ chức được thành lập chính thức bằng các điều khoản mơ hồ như “Trốn thuế” hay “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”.
Một nhà hoạt động có tên nêu trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan điểm với VOA hôm 23/3 rằng Việt Nam nên cho những ai có tên trong báo cáo này được đối chứng trên báo chí Việt Nam.
“Tại sao chính quyền Việt Nam không cho phép những người có tên trong danh sách bị đàn áp nhân quyền trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ được lên tiếng trên báo chí chính thống trong nước?”, nhà hoạt động này bày tỏ sự bức xúc.
Người này tiếp tục đặt vấn đề: “Tại sao chính quyền Việt Nam vẫn kiểm soát chặt chẽ báo chí, nói thẳng là bịt miệng, và dùng những điều luật mơ hồ như điều 331 Bộ Luật Hình sự, để bắt bớ những người có ý kiến khác với đảng cộng sản? Nếu thông tin chỉ được đưa ra từ phía chính quyền thì đâu thể đảm bảo thông tin đó khách quan và công bằng?”.
Diễn đàn