Một cuộc tọa đàm về du lịch mới đây và một số tiếng nói có nhiều ảnh hưởng đang kêu gọi chính quyền Việt Nam giảm trở ngại cho người Việt ở nước ngoài cần hồi hương và du khách nước ngoài muốn đến Việt Nam.
Những lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam xác định sống chung với đại dịch COVID-19, có tính đến mở cửa dần với thế giới bên ngoài; trong khi hàng trăm nghìn người Việt đi lao động, học tập, du lịch ở nước ngoài chưa thể về nước dễ dàng, còn các du khách ngoại vẫn e ngại về chi phí đắt đỏ nếu đi du lịch Việt Nam ở thời điểm này.
Trong buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” do báo Thanh Niên tổ chức hôm 7/12, tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam, chỉ ra những điểm nhức nhối đối với các công dân Việt ở nước ngoài và các doanh nghiệp liên quan đến kinh doanh du lịch.
Báo Thanh Niên và VietnamNet dẫn lời tiến sĩ Nam nói rằng tình trạng “mở nửa vời” với hàng loạt rào cản, quy định hiện vẫn đang “làm khổ” các doanh nghiệp. Trong đó, ông Nam lưu ý đến việc Việt Nam tuy nói rằng mở cửa du lịch song vẫn bắt người nhập cảnh cách ly tập trung và cho rằng không có một quốc gia nào khác làm như vậy.
Những điều bất hợp lý này dẫn đến tình cảnh “Người Việt Nam đi du lịch nước ngoài thì dễ nhưng trở về lại khó khăn”, tiến sĩ Nam nói, theo trích dẫn trên Thanh Niên.
Bên cạnh đó, thành viên của Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam này đề cập đến vấn đề lợi ích nhóm mà ông gọi là các “đường dây chặt chém” làm cho người Việt ở nước ngoài cần hồi hương đang phải chi số tiền rất lớn song cơ hội được bay rất hiếm hoi, trong khi các hãng máy bay đang nằm không, một bài tường thuật của VietnamNet về buổi tọa đàm cho biết.
Nêu bằng chứng về “đường dây chặt chém”, tiến sĩ Nam cho hay bạn bè và người quen của ông phải trả trọn gói “cho các đại lý” từ ít nhất 80 triệu đồng đến 240 triệu đồng để hồi hương từ Hoa Kỳ, song không có sự minh bạch về việc số tiền đó được phân chia cho hãng hàng không bao nhiêu, khách sạn bao nhiêu, vào túi ai bao nhiêu.
“Những biểu hiện này đang tàn phá ngành hàng không, tàn phá ngành du lịch và chặn hết cơ hội mở cửa. Phải vì lợi ích của hàng không, của du lịch, của nền kinh tế chứ không thể vì lợi ích của một số đường dây chặt chém như vậy”, ông Nam nhấn mạnh trong bài báo của VietnamNet.
Những câu chuyện về người Việt ở nước ngoài muốn hồi hương bị bắt chẹt, phải trả số tiền cao khủng khiếp so với lúc trước đại dịch được kể nhiều trên các diễn đàn mạng trong hơn một năm qua, theo quan sát của VOA. Những ngày này, đang xuất hiện thêm những tiếng nói của một số người có ảnh hưởng trên mạng xã hội về chủ đề này.
Trên trang cá nhân có gần 57.000 người theo dõi, cựu giảng viên đại học Nguyễn Hoàng Ánh nói rằng các chuyến bay mang danh nghĩa “giải cứu công dân” của Việt Nam về thực tế là “chèn ép” đồng bào và đã gây bức xúc từ lâu.
Phó giáo sư-tiến sĩ Ánh đưa ra quan sát rằng các chuyến bay “giải cứu” rất ít và bất tiện, kèm theo đó là tổng chi phí “rất tốn kém”, dẫn tới việc có nhiều người Việt giờ đây tìm cách đi đường vòng qua Campuchia rồi nhập cảnh vào Việt Nam để nhanh và rẻ hơn.
“Chính sách của Việt Nam đang bóc lột người mình và làm giàu cho Campuchia đấy!” bà Ánh bày tỏ quan điểm trên trang cá nhân.
Chỉ ra rằng “Về nước đã là một hành trình rất gian nan và tốn kém của người Việt ở nước ngoài trong gần hai năm qua”, bà Ánh kêu gọi nhà chức trách hãy “ngưng bắt nạt người mình” và nhận định rằng “Những chuyến bay thuận lợi hơn, góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam đang bức thiết hơn bao giờ hết”.
Chung tiếng nói với Phó giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, doanh nhân kiêm tiểu thuyết gia Trần Quốc Quân, đăng trên trang cá nhân của ông một bài viết ông đã gửi đăng trên BBC Tiếng Việt, trong đó khẳng định một số cơ quan và tổ chức của Việt Nam - trong đó có các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài - đã và đang “chặt chém nặng tay”, “trục lợi”, “làm giàu” từ cái gọi là hoạt động “giải cứu công dân Việt Nam”.
“Thời điểm nhiều công dân hoặc Việt kiều về quê thăm thân, ăn Tết là dịp tốt để các hãng hàng không, nhà nước cũng như tư nhân, trở thành 'máy chặt chém'. Điều này theo tôi biết không xảy ra với các nước khác, và công dân của họ”, Việt kiều ở Ba Lan Trần Quốc Quân đưa ra quan sát.
Vẫn doanh nhân kiêm tiểu thuyết gia gốc Việt này đặt câu hỏi là “ai, và thế lực nào đang tạo ra tình trạng duyệt danh sách, độc quyền chuyến bay và cách ly để kiếm tiền từ nước mắt đồng bào ở nước ngoài hồi hương trong Đại dịch COVID-19?”
Những bài viết của ông Quân, bà Ánh được hàng trăm người lan truyền tiếp trên mạng kèm theo nhiều lời bình luận ủng hộ hoặc cung cấp thêm bằng chứng về tình trạng công dân Việt bị bắt chẹt khi cố gắng hồi hương.
Tại buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường xác nhận tình trạng nhiều người Việt đi học tập, lao động, chữa bệnh, đi du lịch ở nước ngoài bị mắc kẹt, về không được.
“Công dân Việt Nam về nước phải được tạo điều kiện chứ hiện chịu xét duyệt quá nhiều. Tạo điều kiện cho bà con về tức là tạo điều kiện cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Khi khách quốc tế nhìn vào làn sóng về nước sẽ hiểu Việt Nam đã chống dịch thành công và sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19 chứ không phải chỉ đóng cửa, ‘be bờ đắp đất’ như trước”, Phó Cục trưởng Cường nói, được VietnamNet dẫn lại.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam nêu kiến nghị rằng cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện ngay lập tức cho mọi công dân Việt từ nước ngoài về và không thông qua bất kỳ thủ tục phê duyệt nào hết. “Bởi đây là Tổ quốc, đây quê hương và đây nhà của họ. Họ có quyền và họ cần được hỗ trợ”, ông Nam nói, vẫn theo bài báo của VietnamNet.
Về cách đơn giản hóa thủ tục, tiến sĩ Nam cho rằng người dân Việt khi nhập cảnh trở lại “chỉ cần có Thẻ xanh COVID và test COVID-19 một lần ở sân bay”. Ông nói thêm trên báo mạng VietnamNet: “Chính sách này cần được quyết sớm vì Tết Nguyên đán sắp đến. Tết mang ý nghĩa đoàn viên, thiêng liêng đối với người Việt trong khi nhiều công dân đã không được đoàn tụ với gia đình từ năm 2020”.
Theo quan sát của VOA, nhiều ý kiến của người Việt ở trên mạng xã hội cho rằng nhà nước cần thay đổi chính sách về du lịch mà trong đó động thái hàng đầu cần làm là dẹp bỏ những nhóm lợi ích lợi dụng dịch để làm tiền. Họ nhấn mạnh rằng tình trạng giá vé và chi phí cách ly cao phi ly đang “nuôi béo” một vài tổ chức, cá nhân, nhưng cả đất nước “bị thiệt hại”.