Việt Nam chiều 12/11 bắn 21 phát đại bác, chào đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, ít giờ sau khi trải thảm đỏ tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì buổi lễ tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, với nghi thức được cho là dành cho lãnh đạo cấp cao nhất.
Nhiều bức ảnh đăng tải trên truyền thông Việt Nam cho thấy Tổng bí thư Trọng đã nắm chặt cổ tay của ông Tập và cười tươi với nhà lãnh đạo Trung Quốc khi quan chức này bước ra khỏi xe.
Theo video đăng trên mạng xã hội, sau đó, khi ông Trọng và Chủ tịch Tập đứng trên bục danh dự, quốc thiều Trung Quốc và Việt Nam nổi lên giữa những tiếng đại bác rền vang.
Hình ảnh bắn đại bác từ Hoàng thành Thăng Long, cách nơi đón chính thức vài dãy phố, được truyền trực tiếp trên màn hình lớn.
Ông Tập sau đó có cuộc hội đàm chính thức với người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ông Trọng khẳng định rằng "đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam coi trọng và chân thành mong muốn thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu", theo cổng thông tin chính phủ Việt Nam.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau khi được tái bầu làm tổng bí thư và chủ tịch quân ủy trung ương tại Đại hội Đảng 19 tháng trước.
Trước lễ đón chính thức, tin cho hay, cùng với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tới dự lễ khánh thành Cung hữu nghị và dự lễ khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội.
Trước khi tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và thăm chính thức, ông Tập đã gửi bài viết cho báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ông nói rằng "Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông, gắn bó như môi với răng".
"Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng vững chắc, giao lưu cấp cao ngày càng dồn dập. Chuyến thăm lần này của tôi là dịp để lãnh đạo cao nhất của hai đảng, hai nước một lần nữa thực hiện thăm viếng lẫn nhau trong năm sau hai năm", ông Tập viết.
"Trung Quốc có câu 'anh em đồng lòng, cắt được cả sắt'. Tôi mong đợi chuyến thăm lần này tạo cơ hội để cùng với các nhà lãnh đạo và bạn bè các giới Việt Nam đi sâu trao đổi, cùng khai thác tiềm năng hợp tác, vun đắp tình hữu nghị, sâu sắc hữu hảo đặc biệt giữa hai nước, tay trong tay mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam".
Trả lời VOA Việt Ngữ hôm 9/11, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người kêu gọi tẩy chay chuyến thăm của ông Tập, nói rằng anh “muốn mọi người nhớ rằng dù có hiếu khách đến cỡ nào thì vẫn không được quên rằng một phần bờ cõi quốc gia vẫn đang bị chiếm giữ trái phép bởi quân xâm lược”.
Hai năm trước, Việt Nam cũng đã bắn đại bác để chào đón ông Tập Cận Bình tới Hà Nội, giữa lúc một số cuộc biểu tình chống chuyến thăm bị giải tán.
Trước khi tiếp ông Tập, Việt Nam đã trải thảm đỏ đón Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, và nhà lãnh đạo Mỹ đã đề nghị với Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang về khả năng làm trung gian về Biển Đông, vấn đề gây căng thẳng lâu nay trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Tranh chấp trên biển cũng đã nổi lên trong cuộc hội đàm giữa ông Trọng và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo cổng thông tin của chính phủ Việt Nam, trong cuộc gặp với ông Tập, Tổng bí thư Trọng đã " nhấn mạnh, việc bảo đảm hòa bình, ổn định bền vững, giảm thiểu các nguy cơ bất ổn, xây dựng lòng tin đối với vấn đề Biển Đông giữa các nước liên quan là rất cần thiết, có lợi cho các bên, cho khu vực và thế giới".
Nhận định về việc lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc thăm chính thức Việt Nam cùng ngày, giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam, nói với VOA tiếng Việt: "Diễn biến này quan trọng vì Việt Nam muốn duy trì sự tự chủ của mình và tránh rơi vào quỹ đạo của bất kỳ cường quốc nào”.