Đường dẫn truy cập

Việt Nam lên tiếng dịp 5 năm toà quốc tế phán quyết về vụ kiện Biển Đông


Người dân Việt Nam phản đối Trung Quốc với các khẩu hiệu chống "đường lưỡi bò chín đoạn" tại Hà Nội ngày 19/6/2014, sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Toà trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ đường '9 đoạn' của Trung Quốc.
Người dân Việt Nam phản đối Trung Quốc với các khẩu hiệu chống "đường lưỡi bò chín đoạn" tại Hà Nội ngày 19/6/2014, sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Toà trọng tài quốc tế ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ đường '9 đoạn' của Trung Quốc.

Việt Nam hôm 12/7 khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền bằng ngoại giao và pháp lý cũng như kêu gọi tôn trọng luật quốc tế, nhân dịp đánh dấu 5 năm ngày toà trọng tài quốc tế ra phán quyết bác các yêu sách chủ quyền trên hầu hết Biển Đông của Trung Quốc trong vụ kiện với Philippines.

Toà trọng tài thường trực quốc tế, được thành lập theo Công ước Luật biển 1982 có trụ sở ở La Haye của Hà Lan, vào ngày 12/7/2016 ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền rộng lớn trên Biển Đông của Trung Quốc khi cho rằng chúng không có cơ sở. Trong phán quyết của vụ kiện do Philippines đệ trình, toà tuyên bố rằng Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp đối với khu vực được Toà trọng tài xác định là một phần của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia Đông Nam Á. Trung Quốc và Philippines, theo nghĩa vụ của họ đối với Công ước về Luật biển, phải tuân thủ quyết định này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên nhân dịp 5 năm phán quyến của Toà trọng tài trong vụ kiện Biển Đông hôm 12/7, nói rằng lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông là thông qua giải pháp hoà bình và theo luật quốc tế, theo truyền thông trong nước.

Bà Hằng được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng Việt Nam luôn ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông thông qua các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, một lập trường nhất quán mà Hà Nội luôn đưa ra trước các tranh chấp trên biển.

Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á có nhiều tranh chấp nhất với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo. Trong 5 năm qua, Việt Nam nhiều lần phản đối tàu của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình, từ việc Bắc Kinh đưa tàu thăm dò vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho tới việc tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp quốc vào tháng 3 năm ngoái đã gửi công hàm lên tổ chức liên chính phủ này để phản bác các lập luận của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc không tham gia vụ kiện của Philippines năm 2016 và luôn phủ nhận phán quyến không có cơ chế thi hành của Toà trọng tài ở La Haye. Kể từ đó đến nay, Bắc Kinh bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc là ngày càng có các hoạt động quân sự hoá các đảo cũng như mở rộng thêm các tuyên bố chủ quyền của mình trên vùng biển giàu tài nguyên nhưng đầy tranh chấp.

Nhân kỷ niệm 5 năm sau phán quyến của Toà trọng tài, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken hôm 11/7 đưa ra một tuyên bố trong đó nói rằng “không ở đâu trật tự hàng hải dựa trên luật lệ lại bị đe doạ nhiều hơn là ở Biển Đông.” Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cáo buộc Trung Quốc “tiếp tục cưỡng bức và đe doạ các quốc gia ven biển của Đông Nam Á, đe doạ quyền tự do hàng hải trên tuyến hải lộ quan trọng toàn cầu này.”

Trong tuyên bố, Bộ trưởng Blinken nói rằng Mỹ tái khẳng định chính sách mà Washington đưa ra ngày 13/7/2020 liên quan đến các tuyên bố hàng hải trên Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc “tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, ngừng các hành vi khiêu khích và phải cam kết tuân thủ trật tự hàng hải dựa trên luật lệ, tông trọng quyền của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ.”

Việt Nam, với tư cách là quốc gia thành viên Công ước và quốc gia ven Biển Đông, nhân dịp này cũng lên tiếng “đề nghị tất cả các bên liên quan tôn trọng và thực thi đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình được quy định trong Công ước UNCLOS 1982, cùng nhau hợp tác, đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy tình hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và trật tự ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế,” theo bà Hằng được VietNamNet trích lời cho biết.

VOA Express

XS
SM
MD
LG