Cũng như mọi năm, những tuần qua chứng kiến lượng kiều hối đổ về Việt Nam ồ ạt khi người Việt từ khắp nơi trên thế giới gia tăng gửi tiền về nước vào dịp Tết, góp phần hỗ trợ người thân và gia đình trong việc chi tiêu đầu năm mới. Một số người Mỹ gốc Việt cho VOA biết rằng những khoản tiền đó còn mang ý nghĩa tinh thần to lớn và được duy trì như một truyền thống.
Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn nhất trong năm và cũng là lúc mà nhu cầu chi tiêu tăng mạnh, vì thế lượng kiều hối của người Việt gửi về nước vào dịp này thường cũng tăng theo. Sự gia tăng này nằm trong xu hướng gia tăng lớn hơn của dòng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2023, đạt khoảng 16 tỉ đô la, tức tăng 32% so với năm trước, theo số liệu thống kê của nhà chức trách Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý Ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất tiếp tục là Thành phố Hồ Chí Minh với gần 9,5 tỉ đô la, tức chiếm gần 60% của cả nước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, cho biết lượng kiều hối chuyển về thành phố trong năm qua tăng 43,3% so với năm 2022, là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm, theo một bản tin của báo Công thương, cơ quan ngôn luận của Bộ Công thương Việt Nam.
Theo ông Lệnh, sự gia tăng này là nhờ số người xuất khẩu lao động từ Việt Nam tăng lên trong năm qua sau khi các hạn chế về nhập cảnh được bãi bỏ ở nhiều nước hậu đại dịch Covid-19. Đồng thời, kiều bào ở nước ngoài dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nhưng vẫn hướng về quê hương hỗ trợ người thân, ông nói thêm.
Ông Giang Viễn Tân, một người Mỹ gốc Việt sinh sống ở thành phố San Jose thuộc bang California, nói việc gửi tiền về Việt Nam vào dịp Tết là điều rất bình thường. Ông xem đó như là một chút quà dành cho người thân và bạn bè nhân dịp đầu năm mới.
“Nhiều khi Tết thì mình gửi cho anh em vài trăm uống cà phê, rồi còn những chuyện khác xảy ra như bệnh hoạn thì mình cũng gửi,” ông nói. “Nói chung ở đây cũng vậy mà ở bên kia cũng vậy, tiền thì cũng như món quà lì xì vậy. Dĩ nhiên nó là cái tinh thần anh em chia sẻ với nhau, có nhớ tới nhau vậy thôi.”
Ông Nguyễn Kim Sơn, một Việt kiều sinh sống ở thành phố West Palm Beach thuộc bang Florida, cho biết Tết nào ông cũng gửi chút tiền về cho người em gái đã về hưu sống ở Mỹ Tho. Số tiền tuy không lớn như ông nói nó mang ý nghĩa tinh thần “rất cao” đối với ông và người nhận.
“Mình là người ở hải ngoại thì dù gì thì cuộc sống cũng tương đối ổn định hơn người ở trong nước. Rồi mỗi lần mình gửi vậy thì cô em vui lắm. Mà không riêng tôi gửi mà tất cả mấy đứa em của tôi, rồi ông anh của tôi cũng gửi về cho cô em, thành ra mỗi lần vậy là vui lắm.”
Ông Sơn cho biết toàn bộ gia đình ông đều đã định cư ở Mỹ ngoại trừ người em gái này. Trước khi đi sang Mỹ, ông nhớ ông cũng từng có cảm giác háo hức và vui mừng khi nhận được quà của người nhà nhân dịp Tết.
“Cái yếu tố tinh thần nó quan trọng lắm. Những năm trước thì người dân của mình còn khổ lắm. Sau này thì tương đối không đến nỗi quá ngặt nghèo như hồi xưa thành ra bây giờ nó nặng về yếu tố tinh thần hơn,” ông nói thêm.
Đối với bà Nguyễn Thu Hương, sinh sống ở thành phố Charlotte thuộc bang North Carolina, duy trì những truyền thống của dịp Tết là điều quan trọng và chút tiền lì xì cho con cháu là một phần của truyền thống đó.
“Thật sự là mình đi xa nhưng mình cũng muốn giữ những phong tục tập quán của mình là rước ông Táo, cúng ông bà, mùng một, mùng hai, mùng ba cũng phải có quà cáp cho các con các cháu,” bà nói. “Vì vậy khi mình về, mình mang một ít tiền, một ít quà, đó là cái niềm vui tinh thần cho con cho cháu, cho những người trong gia đình.”
Mùa cao điểm chuyển kiều hối Tết được nói là thường kéo dài trong khoảng một tháng trước và sau Tết Nguyên Đán. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam mùa cao điểm Tết năm nay tăng đáng kể cả về số lượt gửi lẫn số tiền gửi, theo Vietnamplus.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối đổ về lớn nhất thế giới và top 3 ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Hợp tác Quốc tế về Người di cư (KNOMAD) công bố.
Diễn đàn