Tại Ấn Độ, hai chị em chống chọi với hành vi sách nhiễu tình dục trên một chiếc xe buýt công cộng đã được tán thưởng về sự can đảm của mình sau khi một băng video ghi hình vụ việc được phổ biến rộng rãi. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha, sự chú ý cũng tập trung vào đám hành khách trên cùng chuyến xe, người lái xe và bán vé đã không can thiệp giúp đỡ.
Lần này câu chuyện sách nhiễu tình dục hai chị em đi trên một chuyến xe buýt công cộng từ trường học của họ ở thị trấn Rohtak trong bang Haryana về nhà đã có kết thúc tốt đẹp.
Hai chị em một người 19 tuổi và một người 22 tuổi đã đánh lại 3 người đàn ông đã có những cử chỉ thô tục và sờ mó bậy bạ. Một người đã dùng tay đánh, người kia dùng một dây thắt lưng. Sau khi băng video do một hành khách đi cùng chuyến xe thu hình vụ việc này được nhiều người xem trên mạng, hai cô gái đã nhận được sự khen ngợi của cả nước về sự can đảm trong việc chống trả.
Nhưng trong khi lời ca ngợi được dành cho hai cô gái, thì các nhà bình luận đã bắt đầu nêu thắc mắc vì sao những người khách đồng hành, người lái xe buýt và người bán vé vẫn chỉ là những khán giả im lặng theo dõi.
Người đứng đầu Trung tâm Khảo cứu Xã hội ở New Delhi, bà Ranjana Kumari nói đàn ông Ấn Độ thường chỉ là khách bàng quan bởi vì đa số họ coi phụ nữ phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra cho họ. Bà nói:
“Đó là tâm lý chung, cho rằng hoặc những người phụ nữ này sai trái, hoặc chính họ đã gây ra rắc rối, hoặc vì họ mặc quần áo bó chặt người, hay biểu lộ điều gì không đúng, hoặc họ là lý do gây ra rắc rối mà họ phải chịu… Thực là một phát biểu thật đáng buồn về cách thức xã hội chúng ta nhìn phụ nữ.”
Các nhà hoạt động nêu ra rằng đây là lý do vì sao phụ nữ thường bị sách nhiễu tình dục giữa ban ngày ban mặt ở những nơi công cộng mà các thủ phạm không sợ bị trừng phạt. Được gọi là “trêu chọc bà E-và” vấn đề này hết sức to lớn.
Hai chị em nói với các cơ quan truyền thông tin tức rằng nếu các hành khách khác đã giúp đỡ, thì họ sẽ không cần phải tự vệ.
Bà Krishna Majumdar thuộc Liên đoàn Phụ nữ Toàn quốc quy lỗi cho thái độ của xã hội đối với phụ nữ. Bà nói:
“Tôi nghĩ tất cả họ đều đồng loã với thái độ gia trưởng cho rằng con gái chỉ là để cho đàn ông hưởng thụ … như một hình thức giải trí. Hoặc là tự họ làm như thế hoặc là họ ngắm nhìn người khác làm như thế.”
Các nhà xã hội học và những người tranh đấu cho phụ nữ cũng nêu ra điểm sự thiếu tin tưởng trong ngành cảnh sát và thi hành công lực là một lý do chủ yếu khác ngăn trở mọi người ra mặt cứu giúp.
Hai chị em nói với các cơ quan truyền thông rằng một số người còn cảnh báo họ chớ nên nộp đơn khiếu nại với cảnh sát.
Nhà xã hội học Dipankar Gupta ở New Delhi nói dân chúng không muốn bị lôi kép vào những vụ rắc rối pháp lý với những vấn đề mà họ cho là không liên quan đến mình bởi vì họ không chắc là pháp luật sẽ “bênh vực họ.”
Ông nói phải có những biện pháp để thay đổi thái độ này:
“Chúng ta cần phải thiết lập một luật lệ nói rằng nếu ai biết về một tội ác đang bị vi phạm mà không có hành động, thì chính anh ta cũng chịu trách nhiệm như một đồng phạm trong tội ác ấy. Đó là điều hết sức quan trọng. Đó là điều mà người Pháp đã làm.”
Những nhà bình luận khác đã kêu gọi có một bộ luật gọi là “Good Samaritan,” dành sự bảo vệ cho những người cứu giúp những nạn nhân yếu thế để khuyến khích công chúng ra tay hành động.
Bạo lực tình dục nhắm vào phụ nữ ở Ấn Độ đã được cả thể giới chú ý sau vụ cưỡng hiếp tập thể tàn ác một thiếu nữ 23 tuổi trên một chiếc xe buýt đang chạy vào năm 2012. Các luật lệ sau đó đã được siết chặt, nhưng giới hoạt động nói thái độ của xã hội đối với phụ nữ cần phải thay đổi một cách toàn diện để chống nạn sách nhiễu và bạo lực tình dục.