Hôm 3/12, video của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng chuẩn bị cho hội nghị Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam đã được công bố, trong đó ông kêu gọi Nghị viện Châu Âu không phê chuẩn Hiệp định EVFTA, hay IPA. Theo các tổ chức nhân quyền, ông Dũng đưa ra thông điệp này chỉ hai ngày trước khi ông bị bắt hôm 21/11 vừa qua.
Trong video trình bày bằng tiếng Anh gửi cho Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) hôm 19/11 để trình chiếu trước hội nghị hôm 3/12, ông Dũng nhấn mạnh: “Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Liên minh châu Âu (IPA) chỉ làm cho Liên minh châu Âu bị thiệt hại vì phải nhập siêu hằng năm từ Việt Nam 20 đến 25 triệu đôla.
Ngoài ra, ông Dũng nhận định rằng “8 cuộc Đối thoại Nhân quyền Liên Âu-Việt Nam trong các năm qua chẳng có tác dụng gì,” và “95% những khuyến nghị cải thiện nhân quyền của Liên Âu đã bị Việt Nam bỏ qua.”
Ông Dũng bác bỏ quan điểm của Hà Nội về bước tích cực cho phép thiết lập Công đoàn tự do trong Bộ Luật Lao động mới, theo lời hai tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW).
“Từ ngữ “Công đoàn độc lập” không hiện hữu trong Bộ Luật Lao động sửa đổi và Luật Công đoàn. Trong quan điểm của Hà Nội, Công đoàn Độc lập bị xem là ‘phản động’ và khiến họ lo sợ nhất, vì Việt Nam luôn so sánh đồng dạng Công đoàn Độc lập với Công đoàn Solidarnosc có hành động ‘lật đổ chính quyền’ Ba Lan năm 1989”.
“Hà Nội chỉ hứa sẽ xét lại vào năm 2023 hay 2025 để phê chuẩn Công ước 87 về tự do thành lập Công đoàn độc lập và Công ước 105 về chống cưỡng bức lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế. Nhưng đây chỉ là “trò bịp” để kéo giờ, và làm nản lòng Liên Âu cũng như Tổ chức Lao động Quốc tế,” ông Dũng nói.
Ông Dũng khẳng định: “Chẳng có một thông báo chi tiết nào về thời gian phê chuẩn cũng như cam kết nào Hà Nội sẽ thực hiện”.
Ông Phạm Chí Dũng kết thúc bức thông điệp bằng lời kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn hai hiệp ước EVFTA và IPA “cho đến khi nào chế độ Việt Nam chịu cam kết thực thi nhân quyền”, với sự cảnh báo rằng Hiệp ước mậu dịch như hiện nay sẽ không bao giờ chấm dứt được các cuộc đàn áp bất bao dung của Hà Nội.
“Chế độ bắt bỏ tù ngày càng nhiều những nhà bất đồng chính kiến ngay sau khi Liên Âu phê chuẩn EVFTA và IPA. Những nhà bất đồng chính kiến nổi danh nào chống EVFTA vì lý do Việt Nam không tôn trọng nhân quyền cũng như những ai đứng lên chống Trung quốc xâm phạm lãnh hải sẽ phải nhận những án tù nặng nề,” ông Dũng nói.
“Bức Thông điệp đắng cay của Phạm Chí Dũng là lời tiên báo cho chính số phận ông,” VCHR và CSW cho biết trong một thông cáo.
Công an Việt Nam bắt giam ông Phạm Chí Dũng hôm 21/11 với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Cũng tại hội nghị này, VCHR và CSW kêu gọi Quốc hội Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp ước Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam bao lâu Việt Nam chưa bảo đảm tôn trọng Nhân quyền cho nhân dân họ.
Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch VCHR, cảnh báo Liên Âu chớ nóng vội kết thúc Hiệp ước EVFTA trước bối cảnh cuộc đàn áp chính trị tại Việt Nam. Sách nhiễu, bạo hành và bắt bớ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, tín đồ tôn giáo, các bloggers và nhà báo gia tăng, những án tù giáng xuống họ 15 tới 20 năm vì tội vi phạm “an ninh quốc gia”.
Hội nghị Nhân quyền và Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam do Dân biểu Quốc hội Châu Âu Julie Ward (S&D in EP, Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ) chủ trì, và do Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) và Đoàn kết Thiên Chúa Giáo Năm Châu (CSW) đồng tổ chức tại Nghị viện Châu Âu hôm 3/12.