VTV4 – Kênh đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát phóng sự giới thiệu cô Hong Min Hee, cảnh sát viên Nam Hàn gốc Việt (1). Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng (2), các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức đề cập đến việc một nữ du học sinh tên là Nguyễn Hồng Minh, từ Nghệ An sang Nam Hàn du học hồi 2005 sau đó lập gia đình với một người Nam Hàn rồi quyết định định cư tại Nam Hàn. Năm 2017, sau khi sinh ba đứa con, cô Minh quyết định ghi danh, gia nhập lực lượng cảnh sát Nam Hàn.
Để đạt được mục tiêu vừa kể, cô Minh phải ăn kiêng để trọng lượng tương thích với chiều cao, rèn luyện thể lực, tích lũy kiến thức để vượt qua kỳ thi tuyển vào Học viện Cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, cô Minh được chỉ định làm việc tại Bộ phận Ngoại vụ (phổ biến luật pháp cho người ngoại quốc, điều tra các vụ người ngoại quốc phạm pháp) của Đồn cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Nam Jeolla. Cô Minh cũng là người lập ra và điều hành một trang Facebook để tư vấn cho người ngoại quốc, trong đó có không ít người Việt về chính sách liên quan đến cư trú, nhập tịch, y tế, đi lại,...
Cô Minh cũng là người được chọn làm phiên dịch trong các chương trình làm việc giữa cảnh sát Nam Hàn và công an Việt Nam. Câu chuyện của cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh không chỉ lan truyền cảm hứng tích cực cho những người Việt nói riêng, người ngoại quốc nói chung đang cư trú tại Nam Hàn mà còn khiến dân chúng Nam Hàn tự hào vì sự văn minh ở xứ sở của họ - nơi mà bất kỳ ai đủ thiện ý, nỗ lực cũng có thể đạt được điều họ muốn, bất kể họ đến từ đâu. Không phải tự nhiên mà cô Minh trở thành nhân vật trong một chương trình của Đài Truyền hình KBS ở Nam Hàn (3)...
Chẳng phải đến bây giờ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới biết và đề cập đến cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh. Câu chuyện về cô Minh đã được hệ thống này lập đi, lập lại trong ba năm vừa qua (4).
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chỉ biết hào hứng trước chuyện một “cô dâu Việt” có thể “lột xác” để trở thành cảnh sát viên tại Nam Hàn song không hề bận tâm đến khả năng “lột xác” của người Việt tại chính nơi họ “chôn nhau, cắt rốn”! Tại sao không có bất kỳ cơ quan truyền thông chính thức nào đem chuyện cô Minh được xã hội Nam Hàn trao cho cơ hội mà cô muốn, miễn là cô hội đủ tất cả các điều kiện cần thiết về thể lực, trí lực, năng lực bất kể gốc gác của cô (phụ nữ ngoại quốc) ra so sánh với những chuyện kiểu như gia nhập ngành công an tại Việt Nam?
Năm 2015, dư luận Việt Nam rúng động khi có ít nhất ba trường hợp bị các cơ sở đào tạo bậc đại học của ngành công an từ chối tiếp nhận vì... “cha” của họ từng can án. Hai trong số ba trường hợp này là Lê Thị Bình và Nguyễn Đức Ngà cùng là “đồng hương” của cô Nguyễn Hồng Minh (cùng ngụ tại Nghệ An). Bình đạt 26,25/30 điểm nhưng không được vào Học viện Cảnh sát nhân dân vì trước đó... 22 năm, cha của Bình từng bị phạt 12 tháng tù (5), còn cha của Ngà (người đạt 29/30 điểm) thì không được nhập học vì không khai chuyện trước đó 20 năm cha từng bị phạt tù nhưng tòa cho hưởng án treo.
Tuy nhiên gây xúc động nhiều nhất là trường hợp Bùi Kiều Nhi ở Tuyên Hóa – Quảng Bình. Cô gái này đạt 29/30 điểm song không được phép vào Học viện Chính trị CAND do trước đó 23 năm, cha của cô từng bị phạt chín tháng tù vì “chống người thi hành công vụ” nhưng được tòa cho hưởng án treo. Dẫu cha của Bùi Kiều Nhi đã qua đời song cô gái này vẫn bị xem là không hội đủ “tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND” (6). Do dư luận hết sức bất bình, Bộ trưởng Công an khi ấy là ông Trần Đại Quang đã ra lệnh cho các cơ sở đào tạo bậc đại học của ngành công an “chiếu cố” cho các trường hợp này.
Sự “chiếu cố” đó không phải vì trắc ẩn, càng không phải do nỗ lực hướng tới văn minh (buộc đương sự phải chịu trách nhiệm liên đới vì lỗi lầm của thân nhân như thời Trung cổ) mà vì cần “giải độc dư luận”. Song song với tuyên bố “chiếu cố”, viên tướng là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Công an khi ấy nhấn mạnh: “Chưa thể bỏ điều kiện chính trị của thí sinh khi xét tuyển” (7). Viên tướng này khẳng định: Chỉ có thể “chiếu cố” những trường hợp cha mẹ, anh chị em của đương sự vi phạm nhẹ còn những trường hợp cùng huyết thống mà án nặng, chắc chắn ngành công an không thể tiếp nhận.
Thỉnh thoảng, công an Việt Nam đề cập đến một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tuyển chọn nhân sự cho ngành công an như: Thông tư số 20/2009/TT-BCA (X11) ban hành ngày 10/4/2009 Quy định về thẩm tra lý lịch trong CAND, Thông tư số 53/2012/TT-CA ban hành ngày 15/8/2012 Quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND (8) nhưng không thể tìm thấy những thông tư này trong các trang web lưu trữ - giới thiệu những văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Vì sao? Có thể vì các thông tư vừa đề cập không hội đủ tiêu chuẩn văn minh chung.
Sở dĩ kẻ viết bài này phán đoán như thế vì trên một số website chuyên giải đáp những thắc mắc liên quan đến các quy định pháp luật có đề cập đến cái gọi là “tiêu chuẩn chính trị” để tuyển dụng ai đó vào lực lượng CAND: Ngoài việc phải khai về chính mình, đương sự còn phải khai về “ba đời” nhà mình (ông bà nội và anh chị em ruột của cha đương sự, ông bà ngoại và anh chị em ruột của mẹ đương sự/cha mẹ, anh chị em ruột của đương sự nếu mồ côi thì phải khai rõ về những người đã nuôi dưỡng đương sự từ nhỏ đến khi trưởng thành) để công an xác minh và... xét (9)!
***
Bảy năm trước, khi giải thích về “tiêu chuẩn chính trị” của CAND trong việc loại bỏ, sau đó “chiếu cố” những Lê Thị Bình, Nguyễn Đức Ngà, Bùi Kiều Nhi,... viên tướng là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Công an khi ấy bảo rằng: Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Bất kỳ chế độ nào cũng quan tâm đến việc đó. Những tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, nói xấu đảng, nhà nước... thì những người trong gia đình đó ít nhiều bị ảnh hưởng. Các ngành khác có thể không quan tâm nhưng công an phải chặt chẽ. Thông tư quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân ban hành từ năm 2012, qua nhiều năm thực hiện chưa thấy phản ánh gì bất cập.
Cũng theo lời viên tướng đó: Mỗi ngành nghề có quy định về tiêu chuẩn khác nhau, khi thí sinh chấp nhận vào ngành thì phải tuân thủ quy định của ngành đó. Chưa có ai nói tiêu chuẩn của Bộ Công an là nặng hay nhẹ, mà các yêu cầu đều đảm bảo hợp lý. Tất nhiên, Bộ Công an không duy ý chí, trong từng thời điểm, có thể khi xã hội phát triển ở góc độ khác thì quy định có thể sẽ được điều chỉnh nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đất nước thống nhất chưa lâu thì chưa thể bỏ quy định này được.
Giờ, đất nước thống nhất đã 48 năm, “tiêu chuẩn chính trị” – phân biệt đối xử hết sức phi nhân, vô lý ấy vẫn còn giá trị. Bao nhiêu năm mới đủ lâu? Với những gì như đã biết và đang thấy, cần phải hỏi tại sao đặt định, đề cao “tiêu chuẩn chính trị” như vậy, “thẩm tra lý lịch” nghiêm ngặt, kỹ lưỡng như vậy mà hiệu quả hoạt động của CAND Việt Nam lại như vậy. Tại sao chỉ ở bên ngoài Việt Nam, những người Việt như cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh mới có cơ hội “lột xác”? Phi nhân và vô lý đến mức tàn tệ như vậy thì ai ở với đảng, bao nhiêu công an cho đủ?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/vtv4go/videos/6759467970757040/
(3) https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=387146
(4) https://www.sggp.org.vn/nu-canh-sat-viet-de-men-tren-dat-han-post569645.html
(5) https://tuoitre.vn/khong-duoc-vao-truong-cong-an-vi-ly-lich-974383.htm
(8) https://congan.dongnai.gov.vn/Pages/tthcnoidung.aspx?idtt=59
(9) https://luatminhkhue.vn/xet-ly-lich-3-doi-vao-cong-an-gom-nhung-ai.aspx
Diễn đàn