Việt Nam thâm hụt thương mại 300 triệu đôla trong tháng Bảy, từ mức thặng dư 800 triệu đôla trong tháng Sáu.
Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố rằng xuất khẩu trong tháng Bảy giảm 1,7% so với tháng Sáu xuống 19,5 tỷ đôla, trong khi nhập khẩu tăng 4% ở mức 19,8 tỷ đôla, theo Reuters.
Ngoài ra, cơ quan này cũng cho biết thêm rằng trong bảy tháng đầu năm nay, xuất khẩu tăng 15,3% so với một năm trước đó lên mức 133,69 tỷ đôla, và nhập khẩu tăng lên 10,2% lên 130,63 tỷ đôla.
Điều đó dẫn tới thặng dư thương mại hơn 3 tỷ đôla trong giai đoạn từ tháng Một tới tháng Bảy.
Reuters dẫn lời Tổng cục Thống kê nói rằng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong bảy tháng này gồm điện thoại thông minh, hàng dệt may, và các thiết bị điện tử dân dụng. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm điện máy, hàng điện tử và vải.
Theo cơ quan thống kê trên, trong bảy tháng qua, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 35,8 tỷ đôla, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Trang tin của Thời báo Kinh tế Việt Nam dẫn lời cơ quan trên nói rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể “ảnh hưởng” tới việc xuất và nhập khẩu của Việt Nam.
"Điều chú ý là tình hình chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta trong thời gian tới. Do đó, Việt Nam cần theo dõi sát tình hình và chủ động có giải pháp ứng phó để hạn chế tác động bất lợi", Tổng cục Thống kê nói, theo VnEconomy.
Theo dự báo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Trung Quốc được dự báo "sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động".
Tuy nhiên, dự báo của IMF cũng đưa ra một cảnh báo về “sự dễ bị tổn thương” của kinh tế Trung Quốc sau khi xuất những dấu hiệu lẫn lộn từ Bắc Kinh về tác động của tranh chấp thương mại với Washington.