Đường dẫn truy cập

Việt Nam chưa chung quyết việc cho học sinh đi học trở lại 


Học sinh trong giờ học ở Hà Nội
Học sinh trong giờ học ở Hà Nội

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa quyết định liệu có cho 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đi học trở lại vào đầu tháng Ba hay không sau hơn một tháng nghỉ học phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh nhiều phụ huynh đang cảm thấy bất an.

‘Nên hay không nên cho đi học trở lại’ hiện đang là một vấn đề đang gây rất nhiều tranh luận trong nước. Một phụ huynh có con nhỏ đồng thời là giảng viên đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA rằng bà rất lo lắng trước dịch bệnh nên muốn giữ con ở nhà.

Tại phiên họp của chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 vào chiều ngày 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa phê chuẩn đề nghị của Bộ Giáo dục-Đào tạo là cho học sinh đi học trở lại bắt đầu từ tuần sau, tức ngày 2/3, báo chí trong nước đưa tin. Thay vì đó, ông Phúc yêu cầu ‘chờ đến hết tháng 2 để xem diễn biến dịch bệnh ra sao’.

Theo tường thuật của Tuổi Trẻ thì phương án đi học lại vào ngày 2/3 là ‘phương án chuẩn bị sẵn sàng’ trong khi chờ đợi để theo dõi.

Học sinh, sinh viên cả nước đã có kỳ nghỉ Tết kéo dài nhất từ trước đến nay, bắt đầu từ trước Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng Âm lịch, mà vẫn chưa đi học lại. Điều này đã làm đảo lộn tất cả mọi lịch trình cũng như kế hoạch học hành, thi cử ở tất cả các cấp học.

Mới đây, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã quyết định cho học sinh-sinh viên đi học lại bắt đầu từ thứ Hai ngày 2/3 tới dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trong nước khi mà Việt Nam trong nhiều ngày đã không ghi nhận ca nhiễm mới và đã chữa khỏi 15/16 ca nhiễm.

Mặc dù có dấu hiệu giảm ở Trung Quốc nhưng dịch bệnh lại bùng phát mạnh mẽ ở Hàn Quốc, Iran và Ý trong những ngày qua càng làm tăng thêm tâm lý bất an của các bậc phụ huynh trong nước.

‘Không thể nghỉ học mãi được’

Tại phiên họp này, ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã lên tiếng ủng hộ đề xuất của Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo là cho học sinh-sinh viên đi học trở lại từ ngày 2/3, theo tường thuật của báo Thanh Niên.

Ông Dũng lấy dẫn chứng Nhật Bản và Đài Loan mặc dù bị lây nhiễm nhiều hơn Việt Nam nhưng vẫn cho học sinh đi học bình thường còn Hong Kong thì đang xem xét mở cửa trường học trở lại.

Ông cho rằng Việt Nam ‘đang kiểm soát tốt dịch bệnh’ nên học sinh có thể đi học lại, nếu không thì các gia đình có con nhỏ sẽ bị xáo trộn trong sinh hoạt trong khi các trường tư thục không có kinh phí nên buộc phải ngừng hoạt động.

“Việc tiếp tục nghỉ học cũng có thể gây nghi ngờ về việc chúng ta đã tuyên bố kiểm soát dịch bệnh, nhất là với ngành dịch vụ du lịch,” ông Dũng được Thanh Niên được dẫn lời nói.

Về phần mình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ được tờ Tuổi Trẻ dẫn lời nói tại phiên họp rằng: “Dịch bệnh diễn biến phức tạp, không thể ngồi chờ hết dịch mới cho học sinh đi học.”

Trong khi Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị với Thủ tướng tiếp tục cho học sinh nghỉ cho đến hết tháng Ba, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội, là người ủng hộ mạnh mẽ việc cho học sinh sớm đi học trở lại.

“Chẳng lẽ chúng ta cứ lo suốt? Dịch SARS năm 2003 còn nguy hiểm hơn nhưng Hà Nội đã đối mặt và vượt qua. Thậm chí thời chiến tranh, thủ đô bị ném bom, nhưng học sinh vẫn đi học, mọi hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường,” ông Chung được báo mạng VnExpress dẫn lời nói.

“Cho học sinh ở nhà cũng không phải là giải pháp an toàn. Thậm chí ở nhà không kiểm soát được còn nguy hiểm hơn là đi học,” ông Chung nói thêm.

‘Vẫn còn rất lo’

Trao đổi với VOA, bà Tôn Thị Thiết, giảng viên Đại học Ngoại ngữ-Tin học ở thành phố Hồ Chí Minh đồng thời là phụ huynh có hai con đang đi học, nói rằng diễn biến dịch Covid-19 hiện nay khiến bà không an tâm cho con đi học trở lại.

“Thông tin chính thức thì nói đã kiểm soát được dịch nhưng có nhưng tin đồn là đã có nhiều người đã bị nhiễm,” bà Thiết giải thích với VOA và nói rằng bà ‘không tin những thông tin trên mạng xã hội’ nhưng ‘tin những gì những những người xung quanh bà nói vì họ có thông tin trực tiếp’.

“Sài Gòn là nơi sinh viên các tỉnh đến để học, nếu có người nhiễm thì trẻ nhỏ sẽ bị lây từ người lớn,” bà nói thêm.

“Con nít không để ý nên dễ dính bệnh. Học nội trú ăn chung ngủ chung nên lây lan nhanh lắm,” bà Thiết giải thích.

Bà nói rằng trẻ nhỏ đi học ‘nhất thiết phải an toàn’ và mặc dù nghỉ ở nhà nhưng ‘thầy cô cũng gửi bài cho học để không quên kiến thức’.

Vị phụ huynh này cũng nói rằng mặc dù để trẻ ở nhà sẽ gây khó khăn cho cha mẹ nhưng ‘tính mạng là quan trọng’. Bà cho biết do bà làm giảng viên đại học nên những ngày này bà cũng được nghỉ dạy nên có thể ở nhà trông con. Những gia đình khác mắc đi làm thì ‘có thể nhờ ông bà trông hộ’.

Đứa con trai lớn của bà Thiết, hiện học lớp 7, ‘muốn đi học trở lại vì nhớ trường nhớ lớp’, còn đứa con gái nhỏ của bà đang học lớp 2 thì ‘chưa muốn đi học lại’, theo lời bà.

Bà cho biết trong giới phụ huynh trong lớp của con trai lớn thì ‘phân nửa muốn cho nghỉ tiếp, phân nửa muốn cho đi học lại,’ còn đối với phụ huynh trong lớp 2 thì ‘đa phần muốn giữ con ở nhà’.

Ở tư cách giảng viên đại học, bà Thiết cho rằng sinh viên ‘không nên nghỉ lâu quá’ vì ‘sẽ quên kiến thức’ mặc dù trường có tổ chức giảng dạy trực tuyến trong thời gian nghỉ.’

“Học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế vì không hiệu quả mấy và không kiểm soát được sĩ số sinh viên,” bà nói.

Bà cho biết mặc dù nghỉ ở nhà nhưng bà ‘vẫn được trường trả lương bình thường’. Trong khi đó, nhiều trường tư thục không có nguồn thu từ phụ huynh nên buộc phải cắt lương hoặc sa thải giáo viên, báo chí trong nước đưa tin.

Tuy nhiên, bà e rằng do đặc thù môi trường đại học, sinh viên đến từ khắp các tỉnh thành và có thể đăng ký học ở nhiều lớp khác nhau nên nếu một người nhiễm bệnh thì ‘sẽ lây cho rất nhiều người’.

Do đó, theo bà thì học sinh-sinh viên chỉ nên đi học trở lại ‘khi nào dịch bệnh được kiểm soát hoặc đã có vaccine phòng bệnh’.

Bà Thiết nói trong số bạn bè của bà cũng có những người ‘hết sức bi quan’ về dịch bệnh. “Có bà vợ, chồng đi hát karaoke về nhưng không cho vào nhà vì sợ lây bệnh cho con nhỏ. Phải tẩy trùng hết ở ngoài cửa rồi mới cho vào nhà,” bà Thiết kể.

VOA Express

XS
SM
MD
LG