Đường dẫn truy cập

Việt Nam tổ chức hội thảo ASEAN - Trung Quốc về ‘đối xử nhân đạo với ngư dân’


Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2018.
Một tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa vào năm 2018.

Trong tư cách Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 3/11 tổ chức một hội thảo giữa khối 10 quốc gia Đông Nam Á với Trung Quốc về nội dung “đối xử nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

“Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” diễn ra sau nhiều vụ tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hoặc bắt ngư dân Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt ngay cả trong thời điểm thế giới đang đối mặt với đại dịch COVID trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, hội thảo được tổ chức nhằm triển khai quy định trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Ông Dũng nêu lên thực tế ngư dân phải hàng ngày đối diện với nguy hiểm như mưa bão, thiên tai hay tai nạn “đâm va”.

Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam đề nghị các bên “rà soát, trao đổi về tình hình và đời sống ngư dân, chia sẻ các quy định, thực tiễn tốt trong các khuôn khổ quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ, đối xử nhân đạo với ngư dân”.

Trên thực tế hiện nay, có khoảng gần 200 triệu người phụ thuộc vào nguồn lợi hải sản để kiếm sống trong khu vực Biển Đông đầy tranh chấp, bất chấp những nguy cơ tổn hại về tài sản lẫn tính mạng.

Hồi tháng 4, một tàu cá với 8 ngư dân Việt Nam đã bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong khu vực đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền song trên thực tế do Trung Quốc quản lý. Vụ việc đã gây báo động trên thế giới về sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc khẳng định yêu sách chủ quyền, bất chấp thời điểm đang diễn ra đại dịch toàn cầu.

Một tổ chức đại diện cho ngư dân, Hội nghề cá Việt Nam, nhiều lần chỉ trích và lên án Trung Quốc về những hành động “ngang ngược và vô nhân đạo" nhắm vào ngư dân Việt Nam. Tuy nhiên, những vụ “tai nạn” tương tự không có dấu hiệu giảm đi trong thời gian qua.

Vào tháng 6, một tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi tiếp tục bị một tàu sắt và ca nô Trung Quốc "áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm", theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần có cách tiếp cận tổng thể hơn trong việc bảo đảm an toàn, tính mạng và đối xử với ngư dân, trong đó bao gồm cả khả năng xây dựng công cụ điều chỉnh vấn đề này ở Biển Đông.

Tham dự buổi hội thảo trực tuyến có hơn 120 quan chức, đại diện Đại sứ quán các nước, các nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý.

VOA Express

XS
SM
MD
LG