Đường dẫn truy cập

Việt Nam quyết tổ chức thành công thượng đỉnh Trump-Kim


Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (giữa) bị các nhà báo bao vây khi ông đến phi trường quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 3/2/2019.
Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun (giữa) bị các nhà báo bao vây khi ông đến phi trường quốc tế Incheon ở Incheon, Hàn Quốc, ngày 3/2/2019.

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/2 tại Việt Nam, Hà Nội bày tỏ cam kết làm cho cuộc họp này thành công.

“Việt Nam sẵn sàng có những đóng góp tích cực và hợp tác với các bên liên hệ để đảm bảo cuộc họp thượng đỉnh thứ nhì Mỹ-Triều thành công, giúp thực hiện mục tiêu kể trên,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 6/2.

Theo bài phân tích trên Nikkei Asian Review, Việt Nam được chọn vì tính trung lập. Triều Tiên có tòa đại sứ ở Hà Nội, và đã có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Trong khi đó Hoa Kỳ đã có những nỗ lực để cải thiện các quan hệ với Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt.

Trong khi thành phố diễn ra thượng đỉnh chưa được công bố, thành phố Đà Nẵng ở miền trung, trước đây tổ chức hội nghị các nhà lãnh đạo Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương 2017, được xem như là ứng cử viên mạnh mẽ nhất. Thành phố có đường sá rộng rãi và nhiều khách sạn sang trọng dọc theo bờ biển. “Đây là một vị trí thuận lợi cho việc gặp gỡ của các giới chức quan trọng nhất,” một nguồn tin thân cận với đảng Cộng sản Việt Nam cho Nikkei Asian Review biết.

Đà Nẵng là “chiến trường ác liệt trong chiến tranh Việt Nam, nhưng kể từ đó đã trở thành một thành phố nghỉ mát biểu tượng,” phó giáo sư Atsuhito Isozaki, tại trường đại học Keio ở Tokyo chuyên nghiên cứu về Triều Tiên nói. Ông Isozaki nói thêm xét về khía cạnh nỗ lực của Triều Tiên muốn biến thành phố Wonsan ở phía đông nước này thành một khu nghỉ mát, Đà Nẵng “có thể là một cử chỉ của chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích Bình Nhưỡng.”

Khi ông Trump và ông Kim gặp nhau tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái, nhà lãnh đạo Triều Tiên mượn một máy bay của Trung Quốc thay vì sử dụng máy bay của mình, vốn đã cũ. Việt Nam gần với Triều Tiên hơn và ông Kim có thể sử dụng những phương tiện khác, kể cả xe lửa.

Về mặt tiếp vận, ông Cheong Seong-chang thuộc Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc chỉ ra rằng trong khi cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái tại Singapore bắt đầu vào 9 giờ sáng và kết thúc sau 2 giờ chiều, thời biểu hai ngày trong lần gặp tháng này giúp hai bên có “nhiều thời gian thảo luận về phi hạt nhân hóa và những khung làm việc cho hòa bình.”

Giữa lúc việc chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh lần thứ hai được tiến hành, Hoa Kỳ ra chỉ dấu cho thấy có thể nhượng bộ một ít để đổi lấy tiến bộ về những cuộc thương thuyết phi hạt nhân hóa đã bị đình trệ.

Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun, đã từ Căn cứ Không quân Osan ở Hàn Quốc bay đến Bình Nhưỡng ngày thứ Tư 6/2. Ông đáp xuống Bình Nhưỡng vào khoảng 10 giờ sáng, thông tấn xã Tass của Nga cho biết, và đã gặp người tương nhiệm Kim Hyok Chol, để chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh.

“Chúng tôi chuẩn bị thảo luận nhiều hành động có thể giúp xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia chúng tôi,” ông Biegun tuyên bố vào ngày 31/1. Trong khi trước đây Hoa Kỳ bác bỏ bất cứ sự nhượng bộ nào cho tới khi Triều Tiên có những tiến bộ cụ thể về phía phi hạt nhân hóa, nhận xét của ông Biegun cho thấy Hoa Kỳ có khuynh hướng uyển chuyển hơn, dù vẫn giữ những chế tài đối với Triều Tiên. Những khả năng này bao gồm tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Triều Tiên mong đợi chấm dứt nhanh chóng các chế tài đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này. Triều Tiên trước tiên muốn tái tục những dự án chung với Hàn Quốc, như khu Phức hợp Công nghiệp Kaesong, trước khi dần dần thuyết phục cộng đồng quốc tế nới lỏng các áp lực.

“Sau 7 năm ngưng trệ, mỗi bên dường như đã quyết định dành nhiều thời gian vào lúc này để thương thuyết,” Nikkei Asian Review dẫn lời bà Lisa Collins, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington.

Trong khi đó Trung Quốc và Hàn Quốc cũng hoan nghênh loan báo về họp thượng đỉnh tại Việt Nam. Trung Quốc xem đây là một cơ hội tổ chức họp thượng đỉnh với ông Trump để giải tỏa căng thẳng thương mại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nhắm đến những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump trước hay sau khi Tổng thống Mỹ gặp ông Kim vào cuối tháng này. Theo những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này, ông Tập đã nêu lên ý định của ông góp phần vào việc giải quyết những vấn đề trên bán đảo Triều Tiên bằng những cuộc thảo luận trực tiếp với ông Trump, trong khi cũng tìm những đồng thuận trong việc giải quyết những xung đột thương mại Mỹ-Trump.

Tuy nhiên ngày giờ và địa điểm cho cuộc họp thượng đỉnh Trump-Tập vẫn chưa ấn định, những người có liên hệ đến đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc nói. Những vấn đề như vậy dường như đã được đưa ra trong những cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng tại Trung Quốc với một phái đoàn do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer dẫn đầu.

Một phát ngôn viên của phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui-kyeom nói Seoul hy vọng Washington và Bình Nhưỡng sẽ có những bước quan trọng và cụ thể tại Việt Nam tiến đến việc xóa sạch những tranh chấp lịch sử tại cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái ở Singapore.

Ông Kim nói Việt Nam hiện là bạn của Hoa Kỳ dù trước đây đã sử dụng “gươm và súng” chống Mỹ, đồng thời ông cũng bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ là một “sân khấu vĩ đại” để Hoa Kỳ và Triều Tiên viết nên trang sử mới.

(Theo Nikkei Asian Review)

VOA Express

XS
SM
MD
LG