Đường dẫn truy cập

Việt Nam phản đối việc đặt tên đảo và công hàm của Trung Quốc về Biển Đông


Đường băng trên Đá Subi, một trong những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Đường băng trên Đá Subi, một trong những đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trong khu vực tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Phản ứng trước động thái đặt tên các đảo, đá trên Biển Đông và công hàm mới đây của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 23/4 bác bỏ “quan điểm sai trái” của Trung Quốc và nói rằng hành động của Bắc Kinh là “vi phạm chủ quyền” của Việt Nam.

“Mọi hành vi xâm hại chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với vùng biển của mình đều không có giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng nói trong cuộc họp báo ngày 23/4.

Trước đó hôm 19/4, Trung Quốc công bố “tên tiêu chuẩn” cho 25 đảo, đá và 55 thực thể địa lý dưới biển trong khu vực Biển Đông. Trong đó, nhiều bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý.

Tờ báo nhà nước Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, nói việc đặt tên này đã được các chuyên gia Trung Quốc ca ngợi vì đã “tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực”.

Động thái mới đây của Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi nước này tuyên bố thành lập “quận đảo Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nơi Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Gần đây, Bắc Kinh liên tiếp thực hiện các hành động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, giữa bối cảnh cả thế giới đang dồn nỗ lực vào việc đối phó với đại dịch COVID-19, vốn xuất phát từ Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc công khai diễn ra sau khi tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm một tàu cá của Việt Nam vào đầu tháng này.

Ngay sau đó, Việt Nam công bố công hàm đã gửi cho Liên Hiệp Quốc vài ngày trước để phản đối yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, một động thái được xem là mạnh mẽ hiếm hoi của Hà Nội, báo hiệu khả năng xảy ra một vụ kiện pháp lý quốc tế trong tương lai nếu hai bên không giải quyết được tranh chấp trên bàn đàm phán đa phương.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, hôm 21/4 nói phía Trung Quốc đã “giao thiệp nghiêm khắc” với Việt Nam, và cho biết phái đoàn Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm cho Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres để tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Công hàm của Trung Quốc nói Việt Nam đã đưa quân xâm lược và chiếm đóng bất hợp pháp các đảo, đá thuộc quần đảo Nam Sa của Trung Quốc nhằm tạo ra tranh chấp.

Bắc Kinh cũng yêu cầu Việt Nam phải "rút tất cả nhân lực và phương tiện, thiết bị" ra khỏi các khu vực này, đồng thời đe dọa sẽ "thực thi mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các quyền và lợi ích của mình ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông).

Tại cuộc họp báo ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói việc Việt Nam gửi công hàm cho LHQ là “việc làm bình thường” để thể hiện lập trường và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trước việc Trung Quốc lưu hành các công hàm nêu yêu sách chủ quyền của họ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

“Việt Nam cũng đã giao thiệp với Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của Việt Nam, bác bỏ quan điểm sai trái của Trung Quốc”, phó phát ngôn viên Ngô Toàn Thắng nói, đồng thời thêm rằng các quốc gia phải tôn trọng nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia và “không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác”.

Ông Thắng cũng lặp lại rằng Việt Nam sẵn sàng giải quyết tranh chấp với các quốc gia liên quan thông qua đàm phán cũng như các biện pháp hòa bình khác.

VOA Express

XS
SM
MD
LG