Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘làm rõ nghi vấn’ công ty Nhật ‘hối lộ’


Quốc kỳ Việt Nam và Nhật Bản trong một sự kiện ngoại giao.
Quốc kỳ Việt Nam và Nhật Bản trong một sự kiện ngoại giao.

Bộ Tài chính Việt Nam mới cho biết đã chỉ thị lập đoàn thanh tra để “làm rõ nghi vấn hối lộ” của công ty con đặt tại tỉnh Bắc Ninh của công ty Tenma Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ này, ông Đinh Tiến Dũng, hôm 25/5 đã yêu cầu “thanh tra Cục Thuế Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan về nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn trong việc hối lộ của Công ty Tenma Việt Nam và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật”.

“Sau khi có kết quả sẽ công bố công khai, rõ ràng”, ông Dũng nói, theo thông cáo của Bộ Tài chính.

Theo tờ Asahi Shimbun của Nhật, “chi nhánh Việt Nam của công ty sản xuất sản phẩm nhựa Tenma đã chi tổng cộng khoảng 25 triệu yen [khoảng 5,4 tỷ đồng] cho các công chức địa phương” để được miễn truy thu thuế.

Tờ báo của Nhật hôm 11/5 đưa tin thêm rằng “trưởng văn phòng của Tenma đã tự nguyện khai với Công tố viên ở Tokyo”.

Phóng viên của Asahi Shimbun nói rằng việc hối lộ các công chức nước ngoài bị cấm theo Đạo luật Ngăn chặn Cạnh tranh Bất công bằng của Nhật và công ty Tenma “đã thành lập một ủy ban bên thứ ba để điều tra vụ việc”.

Theo tìm hiểu của VOA Việt Ngữ, cùng ngày Asahi Shimbun đăng tải nghi vấn hối lộ, Tenma đã ra thông cáo, trong đó nói rằng việc thiết lập một ủy ban điều tra này “nhằm mục đích khôi phục lòng tin”.

Tờ báo này cũng đưa tin thêm rằng chủ tịch của Tenma “sẽ nhận trách nhiệm và hồi hưu tại cuộc họp của cổ đông vào tháng Sáu”.

VOA Việt Ngữ đã liên hệ với Công ty Tenma để tìm hiểu các thông tin báo chí Nhật và phía Việt Nam nêu ra, nhưng tới ngày 31/5 vẫn chưa nhận được hồi đáp.

Theo báo điện tử VnExpress, ngày 25/5, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết đã nhận được đề nghị phối hợp xác minh từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, đồng thời nói rằng thông tin về hối lộ là “từ lời khai một chiều, chưa thể khẳng định có hay không".

Tin cho hay, Tenma Việt Nam đặt cơ sở sản xuất tại Khu công nghiệp Quế Võ Bắc Ninh từ năm 2007 với hoạt động chính là sản xuất linh kiện nhựa cho thiết bị văn phòng, xe máy, ôtô và đồ dùng gia đình...

Trước khi vấn hối lộ của Tenma Việt Nam, cơ quan tố tụng của Việt Nam đã dựa vào thông tin từ báo chí Nhật để phanh phui hai vụ nhận hối lộ của quan chức ngành giao thông trong khi làm việc với phía Nhật.

Đầu tiên là vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ, Nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính TP HCM, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, nhận hối lộ trong vụ liên quan công ty Tư vấn Thái Bình Dương của Nhật Bản, còn gọi là vụ PCI, hồi năm 2010.

Vụ thứ hai xảy ra 5 năm sau đó liên quan tới 6 bị can nguyên là lãnh đạo Ban quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Cty đường sắt Việt Nam nhận lót tay 11 tỷ đồng từ Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC).

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đầu năm nay công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2019, trong đó xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng trong khu vực công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đó.

Năm 2019, Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm 2018, đứng thứ 96/180 trên bảng xếp hạng toàn cầu. Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) – cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, cho rằng “việc tăng 4 điểm là một chỉ dấu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam trong năm vừa qua”.

“Tuy nhiên, xét trên thang điểm từ 0 - 100 của CPI, trong đó 0 thể hiện cảm nhận mức độ tham nhũng cao nhất và 100 là mức độ tham nhũng thấp nhất, năm 2019 Việt Nam vẫn nằm trong số hai phần ba các quốc gia trên thế giới có điểm dưới 50. Điều này cho thấy tham nhũng trong khu vực công vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Việt Nam”, TT nhận định.

Trong khi đó, theo một khảo sát trong năm 2019 được tổ chức Hướng tới Minh bạch công bố đầu năm nay, năm nhóm đối tượng bị xem là tham nhũng nhất ở Việt Nam gồm: cảnh sát giao thông (chiếm 30% bình chọn của người dân), công an (20%), cán bộ thuế (17%), lãnh đạo doanh nghiệp (15%) và cán bộ, công chức nhà nước (13%).

VOA Express

XS
SM
MD
LG