Đường dẫn truy cập

Việt Nam ‘chạy đua’ truy vết COVID-19, ưu tiên vắc-xin cho y tế, cán bộ ngoại giao


Một chốt chặn kiểm soát dịch bệnh ở Quảng Ninh, ngày 29/1/2021.
Một chốt chặn kiểm soát dịch bệnh ở Quảng Ninh, ngày 29/1/2021.

Các tỉnh thành Việt Nam từ nam ra bắc hiện đang cật lực “chạy đua” truy vết những người nhiễm hoặc có tiếp xúc với người nhiễm virus corona, cách ly, phong toả các ổ dịch trước khi làn sóng dịch mới bùng phát vượt ra ngoài khả năng kiểm soát.

Tính cho đến tối 3/2, Việt Nam ghi nhận 1.911 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 20 ca nhiễm mới được phát hiện trong vòng 12 giờ qua. Trong số này, có 1.022 ca nhiễm trong cộng đồng.

Làn sóng dịch mới xuất hiện kể từ ngày 27/1, sau khi Việt Nam trải qua gần 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay là 329 ca, được xem là số lượng nhiễm tăng nhanh nhất trong cộng đồng tại Việt Nam kể từ đầu dịch đến nay.

Trước nguy cơ bùng phát dịch cao, một số tỉnh thành như Hải Phòng, Hà Nội bắt đầu tìm cách mua vắc-xin phòng chống COVID-19 riêng cho người dân địa phương, sau khi Bộ Y tế Việt Nam thông báo chính thức phê duyệt nhập khẩu vắc-xin AstraZeneca của Anh, với số lượng ban đầu dự kiến sẽ nhập về khoảng 30 triệu liều trong tháng này.

Những người được ưu tiên tiêm vắc-xin trong đợt đầu bao gồm nhóm nguy cơ cao như y bác sĩ, binh sĩ biên phòng ở tuyến đầu, người cao tuổi, có bệnh nền, cán bộ ngoại giao...

Giữa bối cảnh người dân đang tấp nập về quê chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, nhiều tỉnh thành Việt Nam đã siết chặt việc kiểm soát hoặc đình chỉ các hoạt động vận tải, văn hoá tập trung đông người, bên cạnh việc tăng cường xét nghiệm tại các khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Tại thủ đô Hà Nội, với 21 ca dương tính được ghi nhận từ ngày 28/1 đến nay, thành phố này đã nâng cao thêm một mức phòng chống dịch, dừng các hoạt động quán bar, vũ trường, internet…, đề xuất dừng hoạt động phố đi bộ Hồ Gươm kể từ ngày 5/2, yêu cầu công an xử phạt những người không đeo khẩu trang nơi công cộng, tăng cường xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm virus…

Tại Thừa Thiên-Huế, toàn bộ nhân công làm việc ở khu vực bến tàu, cảng biển, sân bay, bến xe... đều sẽ được xét nghiệm COVID-19, cách ly tập trung 21 ngày đối với tất cả những người đến từ Quảng Ninh, Hải Dương, toàn bộ người dân đến Huế đều bắt buộc phải khai báo y tế…

TP.HCM cũng đang truy vết hàng chục người có tiếp xúc với một công chứng viên đến từ Hà Nội nhiễm virus corona, trong đó có một quán cà phê đã bị phong toả.

Tại Hải Dương, một trong những ổ dịch lớn, 75 học sinh mầm non và 10 giáo viên bị tập trung cách ly ngay trong ngày 3/1 vì đã tiếp xúc với một bé 4 tuổi học cùng trường.

“Chúng ta phải tiếp tục chạy đua với thời gian, từng giờ, từng phút, quyết tâm để người dân kể cả trong vùng dịch và ngoài vùng dịch có một cái Tết an toàn”, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam dẫn lời Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người lãnh đạo công tác phòng chống dịch COVID-19, nói tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 vào sáng 3/2.

VOA Express

XS
SM
MD
LG