Trước đó, vào ngày 18/3, Việt Nam báo cáo có thêm 8 ca nhiễm Covid-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm virus corona lên 76 người. Đáng chú ý là hầu hết các ca nhiễm mới đều đến từ châu Âu, nơi đang trở thành tâm dịch tiếp theo sau Trung Quốc.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, trong số 17 ca nhiễm mới trong 2 ngày, có 14 người đến từ Anh, Pháp và Đức, chủ yếu là Việt kiều và du học sinh.
Cũng như một số quốc gia châu Á khác, Việt Nam đang chứng kiến tình trạng công dân hồi hương từ các tâm dịch mới ở châu Âu và một số quốc gia láng giềng.
Theo số liệu từ cơ quan quản lý hàng không, chỉ riêng ngày 18/3 đã có tới 1.095 khách đến từ châu Âu và 5.700 người từ các quốc gia trong khu vực trở về Việt Nam.
Trong số 1.095 người từ châu Âu, 999 khách là người Việt và chỉ có 96 khách là người nước ngoài. 1/3 trong số những người Việt hồi hương trên là về từ Anh, Pháp, Đức, 3 quốc gia đang hứng chịu dịch bệnh bùng phát mạnh.
Hiện Việt Nam đang áp dụng quy định cách ly tập trung đối với những người nhập cảnh từ châu Âu, Mỹ và các nước ASEAN.
Hải Dương dừng họp chợ, phong tỏa 1 thôn
Trong số các ca nhiễm mới, có một trường hợp là bé trai 11 tuổi từ Anh trở về quê ở thôn Tiêu Sơn, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miên, tỉnh Hải Dương, khiến cho toàn bộ thôn này bị phong tỏa kể từ ngày 19/3.
Đây là trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 tại Hải Dương.
Sau khi từ Anh trở về quê vào ngày 9/3, gia đình của bé trai đã mời một số họ hàng đến ăn cơm.
Tính cho đến ngày 19/3, giới hữu trách ở Hải Dương đã xác định được 72 người đã tiếp xúc với bệnh nhân trên và đưa đi tập trung cách ly tại Trung tâm Y tế huyện.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng ra lệnh dừng tụ tập và họp chợ tại thôn Tiêu Sơn, phong tỏa toàn bộ thôn này với 5 chốt chặn để kiểm soát người ra vào thôn.
Dừng bay quốc tế
Trước tình trạng phong tỏa, hạn chế du hành tại nhiều quốc gia trên giới, nhiều hãng hàng không Việt Nam lần lượt đưa ra thông báo sẽ dừng khai thác các đường bay quốc tế trong một vài ngày tới.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ dừng bay đến các nước trong khu vực ASEAN kể từ ngày 21/3; dừng bay đến Anh, Nhật Bản từ ngày 23/3; và dừng bay đến Đức, Úc kể từ 24/3 và dừng chiều về từ 25/3.
Hãng Vietjet Air cũng dừng khai thác các đường bay đến các nước ASEAN từ ngày 20/3 và thời gian dừng dự kiến đến hết tháng 4.
Trước đó, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã dừng các chuyến bay quốc tế đến những khu vực bị ảnh hưởng dịch như Trung Quốc, Hong Kong, Hàn Quốc, Macao, Đài Loan, Malaysia, Nga, Pháp.
Báo cáo mới nhất của Bộ Giao thông Vận tải gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về ảnh hưởng của dịch Covid-19 cho biết việc cắt giảm đường bay đã khiến cho ngành hàng không Việt Nam thiệt hại 30.000 tỷ doanh thu, tính từ đầu năm đến nay.
Bộ này đề nghị chính phủ cho phép áp dụng các chính sách giảm 50% chi phí bến đỗ và điều hành bay, xem xét miễn một số loại thuế trong vòng 3 tháng tới, đồng thời cho phép các doanh nghiệp hàng không lùi thời hạn đóng thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đảm bảo an ninh lương thực
Trước tình hình dịch Covid-19 đang làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18/3 yêu cầu giới hữu trách và các đơn vị sản xuất “phải đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong mọi tình huống”.
Theo người đứng đầu chính phủ Việt Nam, an ninh lương thực không chỉ là nhiệm vụ của ngày hôm nay mà là “chiến lược lâu dài”. Ông nhắc lại tình trạng người dân đổ xô đi mua lương thực, mì tôm để dự trữ trong thời gian dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, và nhấn mạnh rằng việc dự trữ lương thực là “hết sức hệ trọng”, nhất là trong điều kiện dịch bệnh hay bất ổn chính trị.
Theo dự kiến của Việt Nam, với tốc độ phát triển hiện nay, trong vòng 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong 15 nước phát triển hàng đầu thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu thế giới.