Đường dẫn truy cập

Việt Nam đồng tài trợ với Trung Quốc cho trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia


Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trao Huân chương Hữu nghị hạng Mahasena cho đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia vào ngày 29/12/2021.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trao Huân chương Hữu nghị hạng Mahasena cho đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam tại Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng Campuchia vào ngày 29/12/2021.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Võ Minh Lương, vừa dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam sang Campuchia dự Lễ khánh thành trụ sở mới của Bộ Quốc phòng nước này ở thủ đô Phnom Penh vào ngày 29/12.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng Việt Nam – thì đây là dự án do Bộ Quốc phòng Việt Nam tài trợ kinh phí và được khởi công xây dựng kể từ năm 2018. Tuy nhiên, tờ Tân Hoa Xã của Trung Quốc tường thuật buổi lễ khánh thành cho biết thêm rằng dự án cũng nhận được sự hỗ trợ từ phía Trung Quốc.

Tờ báo dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu trong lễ khánh thành rằng “Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả các bên liên quan ở cả khu vực công và tư, cũng như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã hỗ trợ cho dự án này”.

Thủ tướng Hun Sen nói việc xây dựng trụ sở mới đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của Campuchia và nhu cầu về nơi một nơi làm việc tử tế cho Bộ Quốc phòng nước này.

Cơ sở mới được xây dựng từ tháng 6/2018 và hoàn thành vào tháng 10/2021, bao gồm một tòa nhà sáu tầng và một không gian bên ngoài lớn với các tiện nghi chức năng, trong đó có một địa điểm họp báo và một khán phòng lớn có thể chứa hơn 1.000 người cho các sự kiện quốc gia và quốc tế. Trên nóc tòa nhà có một sân bay trực thăng trị giá khoảng 30 triệu đô la Mỹ, Tân Hoa Xã dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh cho biết.

Tòa nhà được xây dựng bởi Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng Đô thị Đường sắt Trung Quốc (CRUCG), là công ty con 100% vốn của Tổng công ty Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, tập đoàn vừa đã thi công dự án đường sắt Lào Trung, là dự án trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, cũng vừa được khánh thành và đi vào hoạt động.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Hun Sen đã thay mặt Quốc Vương Campuchia trao tặng Huân chương Hữu nghị Mohasena cho Thứ trưởng Võ Minh Lương, mà theo tờ Quân Đội Nhân Dân, là để “thể hiện tình cảm, sự ghi nhận đối với sự hỗ trợ, hợp tác của Bộ Quốc phòng Việt Nam dành cho Bộ Quốc phòng Campuchia thời gian qua; đồng thời là sự động viên đối với bộ Quốc phòng Việt Nam để tiếp tục góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, hai quân đội”.

Giới phân tích và quan sát quốc tế cho rằng Hà Nội thời gian gần đây đang nỗ lực giành lại ảnh hưởng đối với hai đồng minh lịch sử của mình là Lào và Campuchia, hai quốc gia đang ngày càng ngả về phía Trung Quốc trong những năm gần đây.

Theo tờ Asia Times, kể từ giữa những năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở cả Campuchia và Lào, đồng thời là đồng minh chính trị ngày càng quan trọng của cả hai quốc gia này.

Theo một tuyên bố gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước này, Trung Quốc đã đầu tư tích lũy khoảng 16 tỷ USD vào Lào kể từ năm 1989. Nhiều đập thủy điện gây tranh cãi của Lào đã được Bắc Kinh xây dựng và chi trả, và các tỉnh phía bắc của Lào hiện đang phụ thuộc nhiều vào vốn của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng trở thành nhà đầu tư chính vào Campuchia vào khoảng năm 2014, giúp phát triển phần lớn cơ sở hạ tầng yếu kém của nước này giữa lúc quan hệ giữa Campuchia và Mỹ ngày càng xấu đi vì những cáo buộc của Washington cho rằng Phnom Penh có kế hoạch cho phép quân đội Trung Quốc tiếp cận căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia, một động thái mà về cơ bản sẽ làm thay đổi cán cân chiến lược ở Biển Đông.

Với việc Campuchia đảm nhận vị trí chủ tịch luân phiên hàng năm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022, nhiều người lo ngại Phnom Penh có thể sử dụng vị trí này để thúc đẩy cho lợi ích của Bắc Kinh. Chính vì vậy, Hà Nội đặc biệt lo ngại về viễn cảnh này, đặc biệt khi ASEAN đang cố đạt được thoả thuận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Bắc Kinh vào năm 2022.

VOA Express

XS
SM
MD
LG