Đảng và Nhà nước đang sử dụng vụ Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho trò chơi “vương quyền” của mình. Nếu vụ này không được xử lý rốt ráo, nhất là khi cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì đấy là sự bỡn cợt “nhà đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng. Nhưng tại sao đến lúc này ông Trọng mới tung được “chưởng” và kẻ “bật đèn xanh” cho ông còn nhằm mục đích gì khác nữa không?
Giả dối thành bệnh kinh niên
Thông tin bắt tỷ phú Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa được công bố thì truyền thông quốc tế đã hàm ý ngay, đây là một vụ “động đất chính trị”. Hai cái chết liên quan cùng một vụ án xảy ra chỉ trong mấy ngày đã bị dư luận xã hội nhận định là "bất bình thường". Ba ngày sau cái chết đột ngột của ông Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội đồng Quản trị Độc lập ngân hàng SCB, được báo chí nhà nước loan tải, đến lượt bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý tập đoàn Vạn Thịnh Phát “đột tử” khi vừa bị công an bắt hai ngày. Ông Thành là chồng của bà Tống Thị Thanh Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chết đúng vào ngày bà Trương Mỹ Lan bị bắt. Mà chẳng hiểu nghiệp vụ công an “cao” đến cỡ nào mà mới bắt được nghi phạm hai ngày thì nghi phạm đã “đột tử” ngay tại nơi giam giữ, thế mà đã tức tốc cho đăng “Cáo phó”, mặc dầu ngày giờ chết trên “Cáo phó” cũng phải tẩy xóa và không ghi rõ chết ở đâu. Cho đăng xong rồi chắc thấy quá lố, lại lập cập bắt mấy trăm tờ bào đồng loạt gỡ tin xuống mà không một lời giải thích.
Sau mấy ngày nháo nhác, cho đến hôm nay, dân Sài Gòn vẫn chưa hết chộn rộn. Từng hàng dài, hàng dài người – chứng nhân những năm tháng huy hoàng của “đế chế” Vạn Thịnh Phát trên đất đô thành – đến để rút tiền vẫn rồng rắn trước các Chi nhánh của Sacombank (Sài Gòn Thương Tín Ngân hàng) và của SCB (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn) khắp trong thành phố. Thật ra Sacombank là nạn nhân đầu tiên của vụ án, vì dân chúng không phân biệt được Sacombank không phải là SCB (mới là Ngân hàng có phần cổ đông của VTP). Khách hàng có tiền gửi ào ào rút từ cả hai. Rút kinh nghiệm từ những vụ bắt bầu Kiên, Trần Bắc Hà, FLC… từng gây bão, làm thị trường chứng khoán bốc hơi hàng tỷ đô la, hệ thống ngân hàng chao đảo, lần này việc “hốt” đại gia Trương Mỹ Lan và các đồng phạm ở tập đoàn Vạn Thịnh Phát được chuẩn bị từ việc bảo mật, điểm rơi công bố và đồng hành với bắt giam là một chiến dịch truyền thông khá rầm rộ.
Nhưng có điều lạ là nhà nước càng thuyết phục, SCB không liên quan, vẫn sống khỏe, không sợ mất tiền tiết kiệm thì người dân càng ùn ùn đi rút tiền từ các Ngân hàng. Giả dối thành bệnh kinh niên của chế độ, nên càng ra sức tuyên truyền, dân càng không tin. Hai cá nhân được cho là nắm giữ nhiều bí mật quan trọng trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã chết đột ngột. Với “luật im lặng” của mafia, phải chăng đây là vụ “giết người diệt khẩu”? Nếu đúng như vậy, thì người của Vạn Thịnh Phát bịt đầu mối, hay là các đại quan dính dáng đến bà Trương Mỹ Lan đã ra tay tàn độc? Cũng nên nhắc lại, Bùi Cao Nhật Quân, con trai của tỷ phú Bùi Thành Nhơn, ông chủ Tập đoàn Novaland, có hợp tác làm ăn với Vạn Thịnh Phát. Quân từng là đặc vụ của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, anh ta là cặp bài trùng với thượng tá Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm). Còn con trai của “lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải là Lê Trương Hiền Hoà, cũng từng là sĩ quan tình báo đối ngoại của Bộ Công an, nhưng rồi anh ta cũng bị “tuột xích” và nay đang giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM.
Tại sao lúc này và mục đích gì?
Đảng và Nhà nước đang sử dụng đại án Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát để chơi trò chơi “vương quyền” và dàn xếp nội bộ. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của ông Trọng thực chất là trò đấu đá nội bộ. Hiện nay, ông Trọng đang muốn xử lý Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), nhưng sau khi bắt nhiều “đàn em” của Hải rồi mà vẫn chưa phá được án. Hai Nhựt được bảo vệ nhiều tầng, nhiều lớp và Hà Nội vẫn chưa vượt qua được “con chốt” Mỹ Lan, để đánh sập một trong những pháo đài kiên cố của các đại gia gốc Hoa ở Sài Gòn. Hà Nội không thể không biết những ai đã đặt “ống đu đủ” phù phép Vạn Thịnh Phát lớn như ngày nay. Dù là đồn đoán, nhưng khi lượng định giá trị bất động sản hiện nay của bà Lan và của các Công ty con so với cách thức kinh doanh của Tập đoàn, một dấu hỏi to tưởng: Nguồn tiền của Vạn Thịnh Phát chủ yếu từ đâu? Quốc tịch của ông chồng Chu Lập Cơ, những kết nối có thể thấy được qua những lần ông trùm An ninh Chu Vĩnh Khang thăm TP. HCM soi rọi phần nào các góc khuất của mối quan hệ chắc chắn bị Hà Nội nhiều lần đánh dấu hỏi. Thế rồi Chu Vĩnh Khang “ngã ngựa” bên Thiên triều, Hong Kong về hẳn với Trung Quốc. Đặc biệt thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng đã và đang xử lý hàng chục tỷ phú có khuynh hướng lấn lướt chính quyền trung ương.
Những tin “không lành” như vậy, Trương Mỹ Lan không thể không nắm vững. Phải chăng vì thế, có lúc bà và gia đình từng có ý định nhập quốc tịch nước ngoài. Nhưng nếu là công dân ngoại quốc thì đâu có cơ sở pháp lý để sở hữu các tài sản kếch sù của Tập đoàn? Thế là họ lại rút đơn xin đổi quốc tịch. Và điều quan trọng hơn, khi bên “chống lưng” cho Trương Mỹ Lan bị “ra rìa” và Bắc Kinh cần ủng hộ một thế lực khác ở Việt Nam thì họ có thể “hy sinh” hay “đánh đổi” Vạn Thịnh Phát. Người Trung Quốc có nhiều cách để rút các khoản đầu tư của họ từ trước đến nay ra khỏi Vạn Thịnh Phát. Cho rằng từ đâu đó, “đèn xanh” được bật để Hà Nội “làm việc” với Vạn Thịnh Phát là nhìn từ bối cảnh quốc tế ấy. Còn “bà trùm” Mỹ Lan giờ đây đang trả giá cho bệnh “chủ quan khinh địch” của mình, bà Lan không ngờ rằng, TBT Nguyễn Phú Trọng đã không còn e ngại yếu tố nước ngoài, cả Trung Quốc “đỏ” lẫn “đen”. Phải thừa nhận ông Trọng và bộ sậu đã chọn được một điểm rơi khả dĩ.
Nếu vụ Vạn Thịnh Phát không được xử lý rốt ráo, nhất là cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì đấy quả là sự bỡn cợt “nhà đốt lò vĩ đại” Nguyễn Phú Trọng. Nhưng tại sao đến lúc này ông Trọng mới được “tung chưởng” và kẻ “bật đèn xanh” cho ông còn nhằm mục đích gì khác nữa không? Đành phải thừa nhận một phần câu trả lời cho câu hỏi này từ thuyết âm mưu. Nhưng rõ ràng, một cách khách quan, những tuần này, tháng này, các định chế quốc tế, từ IMF đến WB và các Tổ chức Tài chính thế giới khác đang có những đánh giá khá tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam như một hình mẫu phục hồi thành công, tăng trưởng ngoạn mục. Khi kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, mà Việt Nam lại được khen, thậm chí là thu hút các FDI của Mỹ và Phương Tây thì rõ ràng, “từ đâu đó” có thể có thâm ý, trưng các scandal của Vạn Thịnh Phát lên để làm xấu hình ảnh của Việt Nam. Điều này có thực tế hay không, chúng ta chờ kết luận cuối cùng của vụ án còn quá nhiều uẩn khúc này.
Diễn đàn