Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 18/12 kêu gọi Thái Lan sửa đổi luật cấm xúc phạm hoàng gia, nói rằng trong mấy tuần gần đây, luật này đã được sử dụng chống lại ít nhất 35 nhà hoạt động, có người chỉ mới 16 tuổi.
Văn phòng Liên Hiệp Quốc nói Thái Lan nên ngưng sử dụng đạo luật phạm thượng, vốn cấm xúc phạm tới hoàng gia và các tội hình sự nghiêm trọng khác chống lại những người biểu tình, nói rằng hình sự hóa các hành động đó vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Các vụ truy tố về tội xúc phạm hoàng gia đã ngưng vào năm 2018, nhưng lại được mang ra sử dụng lại sau khi người biểu tình phá vỡ các điều cấm kỵ đã lâu, khi họ kêu gọi cải cách và hạn chế các quyền hạn của Vua Maha Vajiralongkorn trong các cuộc xuống đường biểu tình kéo dài trong nhiều tháng.
Người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng những người biểu tình còn bị truy tố về các tội xúi giục nổi loạn và các tội về máy tính khác.
Người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Ravina Shamdasani nói tại một cuộc họp báo ở Geneva:
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ Thái Lan hãy ngưng liên tục sử dụng các tội hình sự nghiêm trọng như vậy chống lại các cá nhân chỉ thực thi quyền tự do ngôn luận và tự do tụ tập ôn hòa.”
Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Michelle Bachelet hối thúc Thái Lan hãy cải tổ luật phạm thượng để phù hợp với quyền tự do biểu đạt và tự do ngôn luận.
Chính phủ Thái Lan không trả lời lập tức yêu cầu xin bình luận của hãng tin Reuters, nói rằng họ cần phải nghiên cứu tuyên bố của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trước đã.
Các cuộc biểu tình do giới trẻ dẫn đầu khởi sự từ tháng Bảy, kêu gọi lật đổ Thủ Tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, và đòi soạn thảo một hiến pháp mới.
Sau đó những người biểu tình kêu gọi cải cách hoàng gia, đòi hỏi Vua Maha Vajiralongkorn phải chịu trách nhiệm nhiều hơn theo hiến pháp, đồng thời lật ngược những thay đổi đã trao cho nhà vua quyền kiểm soát tài sản hoàng gia, và lãnh đạo một số đơn vị quân đội cùng các đòi hỏi khác.